Sáng 17/01, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) để tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Ảnh VGP/Hải Minh.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy năm 2023, các ban, bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm có tổ chức núp bóng doanh nghiệp hoạt động cưỡng đoạt tài sản.

Về hợp tác quốc tế, Việt Nam đã ký kết 05 hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước; tổng kết; đánh giá hiệu quả hoạt động hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước Lào, Anh, Thái Lan trong phòng, chống mua, bán người.

Việt Nam cũng phối hợp hiệu quả với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, châu Âu triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý lớn xuyên quốc gia, góp phần ngăn ngừa, chăn chặn từ sớm, từ xa các loại tội phạm về ma tuý.

Về kết quả cụ thể, lực lượng công an đã điều tra, khám phá trên 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội, triệt xoá 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 4.511 đối tượng truy nã; phát hiện, xử lý 4.452 vụ với 6.334 đối tượng phạm tội về kinh tế; 868 vụ với 2.293 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ.

Lực lượng công an đã hát hiện, xử lý 27.333 vụ với 42.977 đối tượng phạm tội ma tuý; khởi tố 24.889 vụ với 36.972 bị can; thu giữ hơn 523 kg heroin, 541 kg cần sa và hơn 2 triệu viên ma tuý tổng hợp; thụ lý, điều tra 147 vụ với 365 đối tượng phạm tội mua bán người, xác định được 331 nạn nhân bị mua bán.

Về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm, tăng 4,95% so với năm 2022; thu nộp ngân sách nhà nước gần 14.900 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2022; khởi tố hình sự 616 vụ với 724 đối tượng, giảm 4,05% về số vụ và tăng 0,56% về số đối tượng.

Về thủ đoạn thực hiện, trên tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, đối tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất, hàng hóa nhập xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu gia công, xuất khẩu… để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng vào nội địa.

Tại các địa bàn nội địa, đối tượng lợi dụng thành lập nhiều doanh nghiệp, lợi dụng mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng.

Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023 - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023. Ảnh VGP/Hải Minh.

Đối với ma túy, tiền chất ma túy, đối tượng lợi dụng một số cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường để ngụy trang, cất giấu, tập kết số lượng lớn ma túy lên các phương tiện khai thác thủy sản trung chuyển ra nước ngoài tiêu thụ. 

Đối với pháo nổ, pháo hoa nổ, đối tượng thay đổi quy luật hoạt động, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ ngay từ đầu năm; lợi dụng đêm tối, địa hình biên giới tập kết số lượng lớn pháo nổ lên phương tiện ô tô, mô tô vận chuyển trái phép về địa bàn nội địa; sản xuất trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ giả nhãn hiệu nước ngoài và trong nước để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Đối với xăng, dầu, đối tượng mua bán, sang mạn trái phép xăng, dầu trên phương tiện khai thác thủy sản vận chuyển về vùng biển Việt Nam bán lại cho phương tiện khai thác thủy sản.

Đối với khoáng sản, đối tượng lợi dụng nơi địa hình phức tạp, vùng sâu, vùng xa, khai thác trái phép cát, đá, sỏi, đất sét, quặng, đất hiếm…; hợp thức hồ sơ, làm thủ tục hải quan để buôn lậu đất hiếm được khai thác trái phép ra nước ngoài; mua thu gom số lượng lớn than, quặng, khoáng sản trôi nổi để hợp thức hồ sơ vận chuyển đi tiêu thụ; lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản để tổ chức khai thác cát, đá, sỏi, đất sét, đất hiếm... ngoài khai trường được phép.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời kiến nghị các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2024.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389, ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2023, với nhiều chuyên án lớn được triệt phá, trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ảnh internet.
Đối với pháo nổ, pháo hoa nổ, đối tượng thay đổi quy luật hoạt động, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo nổ ngay từ đầu năm. Ảnh internet.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đặn cho công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tập trung xây dựng cơ chế phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương, tránh tình trạng quyền anh, quyền tôi; đẩy mạnh công tác phòng ngừa kết hợp với tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng nhiều người bị lợi dụng, lôi kéo tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật mà không hay biết; phải có cơ chế thu thập thông tin kịp thời, hiệu quả hơn trong đánh án.

Các lực lực lượng chức năng, ngoài việc phối hợp với nhau tốt hơn, cũng phải rà soát lại cách làm của mình đối với những hành vi phạm tội mới, nhất là tội phạm công nghệ, Phó Thủ tướng gợi mở.

Nhấn mạnh cuộc chiến phòng, chống tham nhũng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định chưa bao giờ dừng lại và không có ngoại lệ, Phó Thủ tướng nhắc nhở các lực lượng chức năng phải biết giữ mình trước những cám dỗ về lợi ích, muốn vậy người lãnh đạo phải biết gần gũi, chia sẻ, giáo dục cán bộ của mình để vừa kịp thời động viên anh em vừa ngăn chặn kịp thời những sai phạm có thể xảy ra.

Cùng với đó, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ trong lực lượng chức năng vì nếu để xảy ra vi phạm sẽ mất cán bộ và người đứng đầu không tránh khỏi bị ảnh hưởng, thậm chí bị kỷ luật.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số dù việc này không đơn giản do không phải ai cũng dễ thay đổi thói quen, thậm chí có người không muốn sự minh bạch để duy trì sự cát cứ trong ngành này, địa phương kia trong việc chia sẻ dữ liệu nhưng vẫn đổ thừa cho thiếu giải pháp kỹ thuật.

Trước mắt, phải tập trung xây dựng dữ liệu và sau đó triển khai kết nối. Nếu làm được như vậy thì mọi việc sẽ đơn giải hơn rất nhiều, đỡ tốn kém, công tác phối hợp sẽ tốt hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực cao nhất để gỡ thẻ vàng của EC sau đợt thanh tra vào tháng 5 tới, bởi nếu không gỡ được thẻ vàng thì ngành thuỷ sản, một ngành mũi nhọn đem về hàng tỷ USD mỗi năm, sẽ bị đình trệ do khó xuất khẩu vào Châu Âu, thậm chí bị cấm xuất khẩu vào Châu Âu và nhiều khả năng một số nước khác nếu bị nâng lên thẻ đỏ, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người.

PV