Liên danh Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định và Công ty Cổ phần đầu tư ngành nước DNP là nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Hải Minh (Hải Hậu). Ảnh minh họa
Dự án xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Hải Minh là dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án xã hội hóa để lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 23-6-2023.
Dự án nhằm cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn 14 xã: Hải Minh, Hải Anh, Hải Đường, Hải Long, Hải Phú, Hải Xuân, Hải Cường, Hải Ninh, Hải Giang, Hải Phong, Hải Sơn, Hải Châu, Hải Triều, Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm; tổng vốn đầu tư là 616,908 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của liên danh nhà đầu tư là 161,908 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,1% tổng vốn đầu tư (trong đó Công ty Cổ phần cấp nước Nam Định góp 42%, Công ty Cổ phần đầu tư ngành nước DNP góp 58%); số còn lại là vốn vay và vốn huy động từ đối tượng sử dụng nước.
Dự kiến tổng diện tích đất dự án sẽ sử dụng khoảng 3,6ha tại huyện Hải Hậu, bao gồm các hạng mục chính: Công trình thu (lấy từ nguồn nước mặt sông Ninh Cơ) diện tích khoảng 0,2ha tại xã Hải Minh; tuyến ống nước thô dài khoảng 3,6km từ công trình thu về nhà máy xử lý; nhà máy xử lý nước chính, diện tích khoảng 2,5ha tại xóm 9 Liên Minh, xã Hải Minh; trạm bơm tăng áp tại xã Hải Cường diện tích khoảng 0,4ha; trạm bơm tăng áp tại thị trấn Thịnh Long diện tích khoảng 0,5ha; hệ thống tuyến ống cấp nước được thiết kế đồng bộ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để đảm bảo yêu cầu cấp nước.
Trong đó, nhà máy xử lý nước sẽ đầu tư đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt hiện hành công suất thiết kế 25 nghìn m3/ngày đêm.
Về kế hoạch tiến độ thực hiện dự án, năm 2024 sẽ hoàn thành công trình thu và tuyến ống nước thô, hệ thống tuyến ống cấp nước đáp ứng công suất thiết kế 25 nghìn m3/ngày đêm; riêng nhà máy xử lý hoàn thành việc xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị với công suất tối thiểu 12 nghìn m3/ngày đêm. Việc lắp đặt thiết bị để nâng công suất nhà máy xử lý đảm bảo công suất thiết kế 25 nghìn m3/ngày đêm được thực hiện trên cơ sở nhu cầu sử dụng nước của người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo Quyết định, UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện trách nhiệm quản lý dự án và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất theo quy định pháp luật.
Nhà đầu tư phải triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ đã cam kết và các quy định tại các Quyết định số 25/QĐ-UBND và số 1228/QĐ-UBND ngày 23/6/2023 của UBND tỉnh, tuân thủ các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, đê điều, môi trường,..., các quy định, thủ tục liên quan đến đê, hành lang đê và bãi sông trong phạm vi dự án, thực hiện các giải pháp đảm bảo tiêu thoát lũ trong quá trình thực hiện dự án. Định kỳ hàng quý, hàng năm nhà đầu tư phải có báo cáo bằng văn bản gửi các sở, ngành, địa phương liên quan về tình hình thực hiện dự án đầu tư./.
Theo Báo Nam Định