Đúc chi tiết máy phục vụ ngành khai thác than, khoáng sản tại Công ty TNHH Toàn Thắng, làng nghề đúc Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên - Nam Định)
Theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, trong nhiều năm, các ngành, các địa phương:
Chú trọng huy động mọi nguồn lực, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế các địa phương, trong đó có phát triển làng nghề; đã ưu tiên đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông giúp tăng khả năng giao lưu, liên kết kinh tế - xã hội giữa các làng nghề, các địa phương trong tỉnh và trong khu vực;
Quan tâm huy động các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư nâng cấp, khắc phục hạn chế, bất cập của hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải trong các làng nghề; cải tạo cảnh quan, môi trường làng nghề gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới;
Chủ động lập và triển khai thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp tại các vị trí thuận lợi về hạ tầng giao thông, điện, nước nhằm tạo không gian phát triển theo hướng tập trung, đồng bộ cho các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề, thuận tiện trong công tác quản lý, khắc phục mặt trái gây ô nhiễm môi trường của các làng nghề;
Đồng thời, chú trọng thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh các ngành nghề truyền thống và phát triển các làng nghề, ưu tiên 5 nhóm ngành nghề, làng nghề mũi nhọn, chủ lực, như: Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, thủy tinh, dệt may, cơ khí, tái chế; nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nhóm làng nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh; nhóm làng nghề xây dựng và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn;
Đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp tổ chức sản xuất làng nghề theo hướng tăng cường hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; chủ động phát triển vùng nguyên liệu theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, an toàn lao động; đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Về phía các huyện, thành phố, đã huy động nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án có liên quan và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề khắc phục khó khăn phát sinh trong thực tế, thúc đẩy phát triển các ngành nghề truyền thống.
Tại huyện Hải Hậu, hiện có 44 làng nghề ở 33 xã, thị trấn (gồm 20 làng nghề sinh vật cảnh, 14 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 3 làng nghề nuôi trồng thủy sản, 5 làng nghề trồng cây dược liệu và 2 làng nghề xây dựng).
Các chương trình hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp làng nghề phát triển được huyện tập trung chỉ đạo. Tiêu biểu như: Đã hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tham gia Chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phầm"); tổ chức hỗ trợ, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho 78 sản phẩm OCOP qua mã QR code, trong đó có nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp làng nghề; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề chế biến bánh nhãn thực hiện mô hình quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quảng bá và phát triển thương mại cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “bánh nhãn Hải Hậu”.
Nhờ có sự tích cực hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các làng nghề chế biến gỗ phục vụ xây dựng và mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ tập trung ở các xã Hải Vân, Hải Minh, Hải Anh, Hải Trung... phát triển theo từng năm. Các hộ gia đình trong các làng nghề mộc đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ cao như máy cưa, máy xẻ, máy chạm khắc mỹ nghệ CNC, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, hàng hóa được ưa chuộng xuất đi nhiều nơi trong và ngoài nước; doanh thu từ làm nghề mộc khá cao.
Sản phẩm mộc của làng nghề Hải Minh đã tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên toàn quốc, các doanh nghiệp không ngừng phát triển. Đã có 25 cơ sở, doanh nghiệp dịch chuyển từ khu dân cư vào sản xuất tập trung tại cụm công nghiệp quy mô 3,9ha do xã quy hoạch.
Các làng nghề cán kéo sợi và dệt lưới sợi PE tập trung tại các xã, thị trấn Thịnh Long, Hải Châu, Hải Hòa với trên 20 doanh nghiệp, 16 tổ hợp cán sợi PE, hơn 700 khung dệt, hàng năm sản xuất gần 7.500 tấn sợi PE và lưới cung cấp cho thị trường.
Làng nghề bánh kẹo Đông Cường tại thị trấn Yên Định, có truyền thống lâu đời, sản phẩm sản xuất ra như bánh nhãn, kẹo lạc đã có thương hiệu, uy tín, được nhiều nơi ưa chuộng, đầu ra sản phẩm của làng nghề được xuất đi nhiều nơi trong nước.
Tại huyện Ý Yên:
Đã ưu tiên quy hoạch, bố trí mặt bằng mở rộng sản xuất cho doanh nghiệp các làng nghề có thế mạnh như đúc đồng Tống Xá, đồ gỗ La Xuyên, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Cát Đằng, làng nghề may mặc Vĩnh Trị;
Tăng cường phát huy lợi thế quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp làng nghề tại các khu thương mại - dịch vụ tập trung đã hình thành và phát triển trên địa bàn huyện gồm thị trấn Lâm, ngã ba Cát Đằng (Yên Tiến), Đống Cao (Yên Lộc), Bo (Yên Chính), đầu cầu Non Nước (Yên Bằng), Mụa (Yên Dương), Yên Ninh, Yên Xá, Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Cường...;
Đồng thời, huyện đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, bố trí nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng phương thức xúc tiến thương mại, tham gia các hoạt động thương mại điện tử.
Nhờ đó, đã gia tăng nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển làng nghề. Tiêu biểu như: Các doanh nghiệp đúc đồng của các làng nghề Tống Xá, Vạn Điểm, thị trấn Lâm đã phát triển mạnh dòng sản phẩm đúc mỹ nghệ (tượng, tranh, đồ thờ) và ngày càng gia tăng sản lượng sản phẩm xuất khẩu; các doanh nghiệp sản xuất đồ mộc mỹ nghệ Ninh Xá, Lũ Phong, La Xuyên (xã Yên Ninh) ngày càng lan tỏa được thương hiệu khắp các tỉnh, thành phố trong nước và từng bước vươn xa ra nước ngoài; các doanh nghiệp ở làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến vẫn giữ vững được thị trường xuất khẩu trong bối cảnh nhiều làng nghề cùng ngành trên toàn quốc gặp khó vì sức mua suy giảm.
Không chỉ ở Hải Hậu, Ý Yên, các làng nghề ở các huyện, thành phố trong tỉnh đều duy trì đà phát triển trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể như: Làng rèn ở xã Quang Trung (Vụ Bản); làng rèn Vân Chàng, cơ khí Đồng Côi, làng hoa cây cảnh Vị Khê, xã Điền Xá, làng nghề làm đồ chơi thủ công hoa giấy, hoa lụa Báo Đáp, xã Hồng Quang, làng chạm vàng bạc Đồng Quỹ, xã Nam Tiến, làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn… (Nam Trực); làng nghề cơ khí Kiên Lao, xã Xuân Tiến (Xuân Trường); làng nghề làm nước mắm Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy)…
Việc vận động doanh nghiệp làng nghề di dời đến các khu sản xuất tập trung vừa góp phần khắc phục ô nhiễm môi trường sống các khu dân cư, vừa tạo không gian phát triển quy mô sản xuất cho doanh nghiệp, đồng thời, thiết lập nên các “trung tâm” sản xuất chuyên ngành.
Tính riêng ngành cơ khí, các làng nghề tại huyện Xuân Trường, đã sản xuất chuyên sâu các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; các làng nghề huyện Nam Trực từ thế mạnh truyền thống chuyên sản xuất các chi tiết thiết bị, phụ tùng xe máy đã phát triển thêm các sản phẩm cơ khí phục vụ thi công xây dựng, giao thông, sản xuất thép nguyên liệu, thiết bị nội thất xây dựng.
Bên cạnh đó, một số làng nghề mới như làng nghề trồng cây dược liệu tại huyện Hải Hậu, trồng hoa tại huyện Mỹ Lộc được phát triển mở rộng.
Đặc biệt, các làng nghề truyền thống còn hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa vật thể (sản phẩm làng nghề, công trình kiến trúc di tích thờ tổ nghề) và văn hóa phi vật thể (kỹ năng, kỹ xảo nghề, lễ hội làng, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, không gian văn hóa làng).
Những năm qua, các địa phương trong tỉnh cũng đặc biệt coi trọng, tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo, phục dựng các công trình kiến trúc, hoạt động văn hóa - tín ngưỡng dân gian trong khu vực làng nghề nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa làng nghề, khai thác tiềm năng du lịch và đã từng bước đạt kết quả khả quan với nhiều sản phẩm du lịch cảnh quan, sinh thái làng nghề, sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh gắn với không gian lễ hội và di tích lịch sử - văn hóa làng nghề.
Toàn tỉnh Nam Định hiện có 142 làng nghề, trong đó có 80 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất của các làng nghề ước đạt 6.000 tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm cho gần 44 nghìn người, trong đó lao động thường xuyên chiếm 62,2% với mức thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng nhóm ngành nghề, nhóm nghề; thu nhập cao nhất là nhóm nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Dựa vào yếu tố tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, các làng nghề đã kết nối, hình thành được các tuyến, điểm du lịch hấp dẫn du khách, như là các tour du lịch sinh thái cộng đồng, hòa mình cùng không gian lễ hội làng nghề, tham quan, trải nghiệm di sản, phương thức làm nghề.
Theo Báo Nam Định