Qua thống kê sơ bộ, hoàn lưu bão số 3 gây mưa, lũ đã làm gần 8.500ha lúa mùa trên địa bàn huyện bị ngập úng, trong đó có khoảng 758,4ha thiệt hại hoàn toàn; trên 1.500ha thiệt hại rất nặng. Khoảng 224,2ha cây màu hè thu bị ảnh hưởng; trong đó có trên 163ha bị thiệt hại hoàn toàn; 133,1ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, chủ yếu là diện tích nuôi thả cá truyền thống (khoảng gần 130ha).
Về tài sản của Nhà nước và nhân dân, có trên 1.000 nhà dân ở các vùng bối bị ngập sâu từ 1-3m; diện tích bị thẩm lậu trên tuyến đê tả Đáy và các tuyến đê bối, bờ bao sản xuất khoảng trên 1.000m2. Một số cống qua đê bị rò rỉ, không kín nước. Một số trạm bơm bán kiên cố bị hư hỏng.
Ngay sau khi nước rút, UBND huyện Ý Yên đã chỉ đạo các ngành, địa phương trong huyện thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh và ổn định đời sống người dân sau mưa lũ.
Với sự hỗ trợ tích cực từ các ban, ngành, đoàn thể, kết hợp sức dân nên công tác vệ sinh môi trường tại các khu vực dân cư và nơi công cộng tại các địa phương đã sớm được hoàn tất, nhà cửa gọn gàng, đường làng dần phong quang, sạch sẽ. Nhịp sống của người dân dần quay trở lại bình thường; các đơn vị, doanh nghiệp, hoạt động sản xuất của các cơ sở doanh nghiệp cũng nhanh chóng trở lại bình thường.
Thời gian tới, để tổ chức giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại ổn định; UBND huyện Ý Yên tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn, khắc phục hậu quả của mưa lũ với phương châm “Lũ rút đến đâu, khắc phục đến đó”.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ đối với lúa và cây màu vụ mùa nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi mưa lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như: Dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu bò, tai xanh ở lợn…
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát, nắm bắt chính xác các hộ gia đình bị thiệt hại, bị ảnh hưởng bởi mưa lũ để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết.
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên huy động mọi lực lượng, các phương tiện máy móc để bơm tiêu úng cứu lúa nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngập úng và giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Tổ chức ứng trực 24/24h trong quá trình vận hành tiêu úng; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
UBND huyện Ý Yên đề xuất UBND tỉnh Nam Định, các sở, ban, ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, mở rộng và tôn cao tuyến đê bao Ninh Mật xã Hồng Quang, đê bao Trại Mễ xã Yên Khang, đê bao An Quang và An Thành xã Yên Phúc; xử lý rò rỉ, thẩm lậu và gia cố, đắp cơ, mở rộng mặt cắt tuyến đê bối và đắp con trạch chống tràn ở các xã: Yên Phúc, Yên Nhân, Yên Đồng, Yên Trị.
Xây dựng lại một số cống, trạm bơm qua đê đã bị xuống cấp như: Cống Đông Duy (xã Hồng Quang), cống Tây Vĩnh, cống Gon (xã Yên Trị), cống 15, cống C31 (xã Yên Phúc), cống số 9 (xã Yên Lộc)... và một số cống khác bị rò rỉ thân cống để nâng cao năng lực phòng, chống bão và lũ lụt trong thời gian tới.
Vân Anh