Theo đó, căn cứ kết quả thí điểm dạy học 5 ngày/tuần đối với cấp trung học tại thành phố Nam Định và huyện Nghĩa Hưng, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định hướng dẫn triển khai dạy học 5 ngày/tuần đối với cấp trung học trong toàn tỉnh Nam Định, nhằm mục đích:
Đồng bộ, thống nhất ngày làm việc của cán bộ, giáo viên cấp trung học với các cấp học khác và cơ quan hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh trong việc quản lý con em;
Giúp giáo viên có thêm thời gian tự học, tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giảng dạy, đặc biệt là chất lượng của giờ học chính khoá; giúp các nhà trường phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên hiện có của nhà trường;

Học sinh giảm bớt áp lực học tập, có thêm thời gian tự học và tham gia các hoạt động khác góp phần phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất.
Đối tượng áp dụng, tất cả các trường THCS, THPT trong tỉnh Nam Định.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cho biết, đối với những đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc không thể triển khai, báo cáo bằng văn bản về Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định yêu cầu: Đối với các phòng thuộc Sở: Phòng Giáo dục phổ thông chủ trì, phối hợp với các phòng thuộc Sở thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và đánh giá kết quả thực hiện nội dung Công văn này; tổng hợp kiến nghị, đề xuất của đơn vị, để tham mưu cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định các giải pháp thực hiện có hiệu quả việc dạy học 5 ngày/tuần đối với cấp trung học.
Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện/thành phố: Chỉ đạo, hướng dẫn các trường THCS trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung trong Công văn này; Báo cáo và tham mưu UBND huyện/thành phố các giải pháp thực hiện hiệu quả việc dạy học 5 ngày/tuần, đối với các trường THCS trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương và đảm bảo các quy định; Kết thúc học kỳ hoặc năm học đánh giá (ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc), rút kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị gửi báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định (tích hợp vào báo cáo sơ kết, tổng kết năm học).
Đối với các nhà trường: Tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung văn bản này tới cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, tạo sự đồng thuận, thống nhất khi triển khai thực hiện; bảo đảm đúng, đủ nội dung chương trình chính khóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không gây quá tải cho học sinh, giáo viên và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường; bảo đảm định mức tiết dạy của giáo viên theo quy định; thực hiện đầy đủ việc sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn và các hoạt động khác theo quy định; chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn điều chỉnh kế hoạch giáo dục, kế hoạch môn học, phân phối chương trình bảo đảm thống nhất với kế hoạch giáo dục nhà trường; kết thúc học kỳ hoặc năm học, các đơn vị tổ chức đánh giá (ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc), rút kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị gửi báo cáo về cơ quan quản lý trực tiếp (tích hợp vào báo cáo sơ kết, tổng kết năm học).
Thời gian bắt đầu thực hiện: Từ ngày 17/3/2025.
Nguyễn Kiên