Tại hội nghị, dự thảo “Chương trình nâng cao năng lực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tại các cơ sở trồng trọt đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu” được đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày.

Chương trình này có mục tiêu hướng đến từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.  Cụ thể là phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng được 5 mô hình sản xuất theo chuỗi ứng dụng công nghệ 4.0 đối với các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Đồng thời, xây dựng được 14 vùng sản xuất không nhiễm đối tượng sinh vật gây hại và ứng dụng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS trong quản lý, cấp chứng nhận mã số vùng trồng đối với cây trồng có tiềm năng xuất khẩu; 100% cơ sở trồng trọt và 70% hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh phục vụ nội đại, xuất khẩu.

Sản phẩm nông sản được trồng tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).Sản phẩm nông sản được trồng tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Hàng hóa giao thương tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát về chất lượng an toàn thực phẩm. Theo đó, phấn đấu 100% sản phẩm trồng trọt chủ lực, có tiềm năng và xuất khẩu được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đa phần các loại sản phẩm tại các cơ sở trồng trọt được kiểm soát ở các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời giữ vững uy tín thương hiệu nông sản Thanh Hóa.

Về nội dung dự thảo chương trình, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không quản lý chất lượng riêng sản phẩm trồng trọt, phải bổ sung nội dung để xây dựng chương trình cho quản lý chất lượng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp, có nghĩa thêm cả các sản phẩm lâm nghiệp, thủy sản.

Chương trình cần đánh giá cụ thể hơn nữa quy mô sản xuất nông, lâm, thủy sản; thực trạng công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm hiện nay, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để đề ra giải pháp khắc phục.

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng chương trình thành đề án nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng an toàn thực phẩm cho giai đoạn từ nay đến năm 2025 trên cơ sở bám sát chủ trương, chính sách, quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. 

                                                                                                                                                      Hoài Thu