Vận tải kết hợp du lịch

Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh dài 1.726 km hoàn toàn có thể đưa việc trải nghiệm du lịch bằng tàu hỏa với những cung đường sắt có nhiều tài nguyên du lịch trở thành sản phẩm đặc sắc.

Điều này, rất có ý nghĩa khi hiện giá vé máy bay - là một trong những thách thức mà ngành du lịch phải đối diện khi giải bài toán chi phí vận tải tăng lên, làm ảnh hưởng đến nhu cầu của khách, ảnh hưởng tới kích cầu du lịch nội địa.

Trong bối cảnh đó, phải đa dạng các hình thức, phương tiện và tăng cường kết nối giữa các phương tiện, đầu mối giao thông cả về đường hàng không với đường biển, đường hàng không với đường sắt và đường bộ. Cần biến sự đa dạng thành cơ hội để tạo ra những sản phẩm mới, trải nghiệm mới.

Đại diện lãnh đạo Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng trải nghiệm trên đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung”
Đại diện lãnh đạo Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cùng trải nghiệm trên đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung”

Mới đây, Sở Du lịch Đà Nẵng đã triển khai ký kết hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Tập đoàn Sun Group phát triển sản phẩm du lịch tàu hoả nhằm gia tăng sự lựa chọn phương tiện cho du khách khi đến Đà Nẵng.

Theo đó, dự kiến sẽ có các đoàn tàu du lịch (hoặc toa tàu du lịch kết hợp trong đoàn tàu vận tải khách) đưa du khách trực tiếp từ phía Bắc và phía Nam đến Đà Nẵng. Không chỉ thưởng ngoạn tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (vừa được Tạp chí danh tiếng Leony Playnets năm 2023 bình chọn đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới), trên đoàn tàu du lịch hoặc các toa tàu du lịch này, du khách còn có các không gian sinh hoạt cộng đồng hứa hẹn sẽ là điểm check in “di động” đầy ấn tượng.

Trước đó không lâu, tại lễ khai trương đoàn tàu du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng với tên gọi hành trình “Kết nối di sản miền Trung”, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, việc đưa vào khai thác đoàn tàu này là một trong những nỗ lực kết nối vùng, quảng bá du lịch của Huế và Đà Nẵng, là sản phẩm mới, tiếp tục cho những sản phẩm vận tải kết hợp du lịch, một phân khúc trải nghiệm du lịch, lịch sử, văn hóa, di sản độc đáo mà ngành đường sắt Việt Nam đang triển khai.

Trong tương lai, Đường sắt Việt Nam mong muốn hướng đến phân khúc tàu du lịch hạng sang, kết nối nhiều phương tiện, vùng miền hơn, nhiều dịch vụ, tiện ích hơn như hợp tác với các phương thức khác để thực hiện một tấm vé cho cả hành trình, trong đó đi tàu là một phân khúc trong chuỗi hành trình của du khách.

Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng qua đèo Hải Vân có chiều dài khoảng 100 km, với nhiều đoạn đường uốn lượn, quanh co, trên núi, dưới biển, tạo nên những khung cảnh hùng vĩ và lãng mạn.

Vào mùa hè, hoa hai bên đường nở rộ tạo nên khung cảnh rực rỡ sắc màu như tranh vẽ. Đây thực sự là một cách để thưởng ngoạn vẻ đẹp từ cảnh quan thiên nhiên đến di tích lịch sử.

Đã có một giai đoạn, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng hợp tác với ngành đường sắt nhằm hướng đến gia tăng nguồn khách du lịch nội địa cũng như quốc tế.

Đồng thời, phối hợp quảng bá, tiếp thị điểm đến trong nước và các thị trường quốc tế thông qua tuyến tàu du lịch Đà Nẵng - Huế. Tuy nhiên tuyến tàu này phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các phương tiện giao thông khác, nên đã phải tạm dừng khai thác.

Mới đây, để khôi phục lại tuyến tàu du lịch này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, đặc biệt trong giai đoạn đầu nhằm tạo thói quen di chuyển bằng tàu hỏa cho du khách. Ngành đường sắt đã có những hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp du lịch như giảm giá.

Ảnh minh họa

Việc xây dựng các tour du lịch phù hợp cũng là cơ hội khi tuyến đường sắt chuyên dụng này được khôi phục. Ngành đường sắt ngày càng hoàn thiện các dịch vụ, tiện ích cho hành khách, đồng thời nâng cao dịch vụ ăn uống và nâng cấp các toa tàu có giường nằm và có mức giá hợp lý để tạo sức hấp dẫn cũng như tăng trải nghiệm cho du khách.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết: Việc khai trương đoàn tàu du lịch “Kết nối di sản miền Trung” nhằm khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch sẵn có của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Bên cạnh việc phát triển du lịch theo hướng thân thiện, an toàn, đoàn tàu góp phần đa dạng hoá các hình thức vận tải, giúp người dân và du khách có thêm nhiều lựa chọn trong hành trình trải nghiệm khi tham quan, du lịch qua các tỉnh miền Trung.

Cùng với đó, địa phương cam kết, tiếp tục đồng hành, tăng cường quảng bá đến các doanh nghiệp du lịch, người dân và du khách về đoàn tàu; vận động các doanh nghiệp có chính sách ưu đãi dịch vụ, hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải khác để hành khách tiếp tục chuyến hành trình; bảo đảm an toàn chạy tàu; đồng thời quảng bá đặc sản du lịch trên các chuyến tàu để thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho rằng: Để có được đoàn tàu du lịch trong hành trình “Kết nối di sản miền Trung” là sự nỗ lực kết nối của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với chính quyền và các doanh nghiệp du lịch của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Đây không chỉ là một sản phẩm thiết thực, hấp dẫn giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn là phương án di chuyển an toàn, thoải mái, thân thiện với du khách, giúp giảm áp lực cho lưu thông đường bộ, thu hút khách du lịch quốc tế trong hành trình du lịch di sản 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đặc biệt là những trải nghiệm tuyệt vời khi thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của cung đường sắt qua đèo Hải Vân.

Về phía Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố chỉ đạo Sở Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đoàn tàu du lịch trên hành trình “Kết nối di sản miền Trung” để trở thành sản phẩm du lịch trọng điểm của hai địa phương và ngành đường sắt.

T. Hương (Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/)