Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo.

'Cần gỡ nút thắt room ngoại'

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề cập 02 nhóm vấn đề lớn cần tháo gỡ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, bao gồm: yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại).

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) đánh giá, áp dụng mô hình Đối tác bù trừ trung tâm (CCP) với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vướng mắc prefunding.

Còn với vấn đề room ngoại, các đại biểu thống nhất cần đẩy nhanh áp dụng sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) trong bối cảnh các quy định pháp lý cho sự ra đời của sản phẩm này đã được ban hành đầy đủ.

Tại hội thảo, một chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của các thành viên thị trường là việc minh bạch công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết. PGS.TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) nhận định, thời gian qua, chất lượng công bố thông tin đã có sự cải thiện đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, tuy nhiên chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, trong khi đa phần các DNVVN chưa dành nhiều sự quan tâm tới công tác công bố thông tin nói chung và công bố thông tin bằng tiếng Anh nói riêng.

Nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy, chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và đa phần các công ty này là công ty vốn hóa lớn.

Về mức độ dễ hiểu của thông tin, 2021-2025 là giai đoạn các doanh nghiệp Việt Nam tự nguyện áp dụng theo chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS trước khi bắt buộc áp dụng từ sau năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi còn chậm. Theo khảo sát của Deloitte, trong số các doanh nghiệp hiện đang áp dụng IFRS, chỉ có khoảng 30% áp dụng đầy đủ chuẩn mực của IFRS, 70% còn lại chỉ thực hiện các bút toán chuyển đổi khi lập và trình bày báo cáo tài chính.

Đại diện lãnh đạo các tập đoàn niêm yết lớn đánh giá, mục đích sâu xa của nâng hạng là nâng cao chất lượng của TTCK Việt Nam, thể hiện ở quy mô và tính minh bạch của thị trường - hai yếu tố bền vững giữ chân nhà đầu tư nước ngoài lâu dài. Bởi vậy, không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cần ý thức và nâng cao công tác minh bạch công bố thông tin.

Cùng với đó, các đại biểu cũng đề cập nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác công bố thông tin của công ty niêm yết như phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực, đạo đức của người hành nghề chứng khoán...

'Nên tăng quyền cho CTCK tự thẩm định rủi ro'

Tại hội thảo, TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ của Thủ tướng cho biết, chúng ta có 2 cấp độ nâng hạng là FTSE và MSCI.

“Tôi xin ví von cấp độ 1 như sân chơi Sea Games (FTSE), cấp độ 2 là vươn tầm Châu Á (MSCI). Tôi nhìn nhận chúng ta cần phải chịu sức ép cải cách lớn hơn nữa, đặc biệt liên quan đến các quy định pháp luật liên quan đến tính công khai và minh bạch”, ông Lực nói.

Ông Lực cho rằng Việt Nam đang rất thiếu yếu tố này, trong khi đây là nền tảng phát triển vững chắc cho thị trường chứng khoán. Việt Nam cần tạo sức ép quản trị, giám sát, và nâng tầm quản trị. Quy mô thị trường ngày càng lớn khi có những thời điểm chiếm 100-120% GDP, các doanh nghiệp niêm yết cần có cách thức quản trị khác.

“Tôi cũng nhấn mạnh nâng hạng thị trường chứng khoán gắn với câu chuyện thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở TP. HCM và TP. Đà Nẵng”, ông Lực nói.

Hiện tại, với cấp độ FTSE, ông Lực cho biết chúng ta đang gặp vấn đề ở yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Nhiều người lo rằng nếu không giao dịch ký quỹ thì có rủi ro nhà đầu tư không thanh toán.

“Tôi nghĩ chúng ta cần phải có giải pháp. Khảo sát cho thấy, trường hợp không ký quỹ, tỷ lệ nhà đầu tư trên thế giới không thanh toán chỉ có 2% mà thôi”, ông Lực nhấn mạnh.Để giải quyết vấn đề này, ông Lực đề xuất 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro: Thứ nhất, Việt Nam cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót. Thứ hai, kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử phạt 1.000-5.000 USD, hoặc tính tiền phạt dựa trên tỷ lệ số tiền. Cuối cùng, tăng thẩm quyền cho các công ty chứng khoán để thẩm định rủi ro và tự đưa ra quyết định, công ty chứng khoán được phép quyết định một nhà đầu tư cần ký quỹ hay không.

Như vậy cũng cần cơ chế xử lý rủi ro, công ty chứng khoán được phép tịch thu tài sản, chứng khoán, thanh lý chứng khoán trong trường hợp họ không thể thanh toán.Về các tiêu chí của MSCI, ông Lực cho biết hiện này chúng ta thiếu 9 tiêu chí gồm: Giới hạn sở hữu nước ngoài; "room" khối ngoại còn lại; quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài; mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; luồng thông tin; thanh toán bù trừ; khả năng chuyển nhượng không qua sàn; cho vay chứng khoán; và bán khống.Về vấn đề sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Lực cần tư vấn, rà soát các lĩnh vực cần và không cần kiểm soát.

Theo TS.Cấn Văn Lực, chúng ta cần rà soát Quyết định 155 và một số quyết định khác. Ngoài ra, về tự do dòng chuyển vốn và giao dịch ngoại hối, đây là yếu tố vô ùng quan trọng với thị trường tài chính quốc tế.

“Chúng ta cần tự do hóa hơn dịch chuyển dòng vốn và giao dịch ngoại hối. Cần nâng tính hấp dẫn của tiền đồng, để tiền đồng tự do chuyển đổi hơn cả trong và ngoài nước. Cuối cùng, mong Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất có đề án"“lấp lại" những khoảng trống chúng ta còn thiếu. Đâu đó chúng ta có những kế hoạch nhưng chưa có đề án cụ thể”, ông Lực nói.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hồng Quang, Trưởng Đại diện văn phòng Hà Nội, VinaCapital, cho biết: Trong 10 năm qua, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam trên 03 sàn HOSE, HNX và UPCoM đã tăng gấp 5,6 lần lên mức 246 tỉ USD vào cuối tháng 09/2023.

Giá trị giao dịch trung bình mỗi ngày đạt khoảng 1,1 tỷ USD, gấp 17 lần so với 10 năm trước. Số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD đạt 48 công ty, so với 10 năm trước chỉ có 8 công ty.

“Với quy mô tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm qua, việc Việt Nam ở trong nhóm thị trường cận biên được ví như "một con cá lớn nằm trong ao nhỏ"”, ông Quang nhấn mạnh.

Tính đến cuối tháng 09/2023, tổng vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đạt 190 tỷ USD, tương đương với quy mô vốn hóa của thị trường Malaysia và lớn hơn nhiều thị trường Châu Á (Philippines, Qatar, Kuwait…) hay Châu Âu (Hy Lạp, CH Séc, Hungary…).

Ông Quang cho rằng, xét về quy mô về nền kinh tế và thị trường chứng khoán, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng nằm trong nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi.

“Do đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là cần thiết và xứng tầm với quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam”, đại diện VinaCapital nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho biết, trường hợp thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5 đến 8 tỷ USD.

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán cho biết, vừa qua, khi làm việc với các nhà dầu tư nước ngoài thì cơ bản các nhà đầu tư rất tin tưởng, kỳ vọng vào TTCK Việt Nam là thị trường có nhiều điểm sáng để tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Sơn cũng cho biết, quan điểm của Uỷ ban Chứng khoán là bản thân TTCK phải đảm bảo hoạt động tốt hơn, còn việc nâng hạng chỉ là một yếu tố kỹ thuật. Theo đó, thị trường phải đảm bảo khuôn khổ pháp lý, thông tin trên thị trường phải minh bạch, an toàn, bền vững hơn, hệ thống giao dịch phải thông suốt.

“Gốc của TTCK là sự minh bạch, chỉ khi minh bạch thì mới bảo vệ được chính DN và nhà đầu tư, bảo vệ cho chính cơ quan quản lý”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.

Khánh Yên