Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ kỷ niệm 55 năm hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, vừa diễn ra tại Hà Nội. Thương hiệu & Công luận trích đăng bài phát biểu này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 55 năm hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Từ tâm thế là một quốc gia mới tham gia hội nhập, hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam chưa phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, dẫn đến những khó khăn trong hoạt động giao thương quốc tế.
Hoạt động xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), hài hòa tiêu chuẩn quốc tế ngày càng được chú trọng. Hiện nay, hệ thống TCVN đã lên đến 9.500 TCVN và 650 quy chuẩn Việt Nam (QCVN), với 47% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Vai trò của các QCVN ngày càng trở nên quan trọng trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Đây chính là công cụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người. Đó cũng là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích DN và người tiêu dùng trước những nguy cơ tiềm ẩn.
Hoạt động mã số - mã vạch đáp ứng kịp thời yêu cầu tăng cường quản lý trong bối cảnh mở cửa thị trường, ứng dụng hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển bền vững; hỗ trợ DN giảm chi phí đầu tư nhưng tăng cường kiểm soát hàng hóa và các bên liên quan trong toàn chuỗi cung ứng cũng như xác định, truy suất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không an toàn, kém chất lượng, ngăn chặn hàng giải hàng nhái... Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, mã số - mã vạch đang được ứng dụng mở rộng tới các lĩnh vực trọng tâm của nên kinh tế như dịch vụ, y tế, hải quan, logistics, trao đổi dữ liệu điện tử...
Hoạt động công nhận, đánh giá sự phù hợp được nội địa hóa và thừa nhận quốc tế - là sự cần thiết giúp DN chủ động nắm bắt các yêu cầu, chuẩn mực chất lượng của thị trường để sản xuất, xuất khẩu hàng hóa đáp ứng nhu cầu khách hàng, dễ dàng vượt qua các rào cản kỹ thuật TBT và sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ kỹ thuật ngày càng được đẩy mạnh xã hội hóa trên phạm vi cả nước để đáp ứng nhu cầu phát triển và tận dụng nguồn lực của xã hội. Hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mực quốc tế, cung cấp dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, làm nền tảng kỹ thuật cho hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước; thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các nước trong khu vực, quốc tế, giúp xóa bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại.
Hoạt động đo lường chính xác và thống nhất là công cụ đắc lực góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như đảm bảo sự công bằng trong buôn bán, giao dịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường; đồng thời là công cụ quan trọng giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Các phương tiện đo được kiểm định, hiệu chuẩn và các kết quả đo chính xác là căn cứ kỹ thuật tin cậy để DN đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu trong sản xuất đồng thời là căn cứ pháp lý kỹ thuật để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường sự tin tưởng của DN, người dân, vào hiệu lực quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh.
Tổng cục TCĐLCL là cơ quan đại diện Việt Nam tham gia với tư cách thành viên tại 14 tổ chức quốc tế về TCĐLCL như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực ISO, IEC (Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế), Tổ chức Đo lường hợp pháp quốc tế (OIML), Tổ chức Năng suất châu Á (APO), Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương (APQO), Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1)...
Tăng cường vai trò trong hội nhập
Bối cảnh, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, cơ hội và thách thức trong nước và quốc tế, đặc biệt là cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để lĩnh vực TCĐLCL ngày càng đóng góp to lớn hơn vào sự phát triển của KH&CN nói riêng, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, tôi có một số gợi ý trao đổi với các đồng chí để cùng nghiên cứu và định hướng hoạt động cho thời gian tới.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đủ để phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho DN phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động mã số mã vạch. Trong đó, trước mắt đẩy mạnh hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch đáp ứng với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, khu vực; tăng cường phổ biến, tuyên truyền về mã số mã vạch nhằm nâng cao nhận thức người sử dụng.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm để thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Chính phủ. Phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, làm rõ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan (tiền kiểm) theo hướng ít nhất; chuyển mạnh sang hậu kiểm; đồng thời cần quy định rõ các biện pháp quản lý trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bốn là, tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần chú trọng tổ chức xây dựng hệ thống các phòng kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường, chất lượng đủ năng lực để phục vụ kịp thời việc thực hiện lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm của các cơ sở khám chữa bệnh, cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát các thông số môi trường tại các DN, làng nghề, khu công nghiệp… theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, tập trung xây dựng và tổ chức triển khai chương trình, đề án trọng điểm trong hoạt động đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm hàng hóa để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trước mắt, tập trung tổ chức triển khai có hiệu quả “Chương trình quốc gia thúc đẩy năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN đến năm 2020”; xây dựng, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về TCĐLCL để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế thông qua sự tham gia, hợp tác với các tổ chức TCĐLCL quốc tế.
Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Bộ KH&CN, với định hướng phát triển đúng đắn và quyết tâm cao, hoạt động TCĐLCL sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa để đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp đổi mới nhằm đưa Việt Nam vươn lên vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
(*) Title do Tòa soạn đặt
Hà Thu (Ghi)