Nhiệm vụ trên được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, diễn ra sáng 6/1.
Chuyển biến căn cơ về cục diện đối ngoại
Điểm lại năm 2024, Phó Thủ tướng cho biết tình hình thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, có nhiều vấn đề mới, vượt dự báo so với các năm trước, thúc đẩy rõ nét hơn sự hình thành trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc với đặc trưng là tính chất bất ổn, khó lường và nhiều rủi ro.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, công tác đối ngoại và ngoại giao đã được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả, tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Đặc biệt, tầm nhìn và tư duy chiến lược về đối ngoại cùng các quyết sách, định hướng chiến lược và sự tham gia trực tiếp vào các hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, đã tạo chuyển biến căn cơ về cục diện đối ngoại của nước ta.
"Nhờ đó, công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới trong tất cả các lĩnh vực đối ngoại", Phó Thủ tướng khẳng định.
Đáng chú ý, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo..., đóng góp quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế trong nhóm nước tăng trưởng cao, là điểm sáng về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Đi đôi với triển khai đồng bộ công tác đối ngoại, việc xây dựng và phát triển ngành ngoại giao tiếp tục được đẩy mạnh ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và gìn giữ, phát huy bản sắc độc đáo của ngoại giao Việt Nam, xây dựng bộ máy "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Bên cạnh thành tích, kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra công tác đối ngoại, ngoại giao vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như chưa phát huy hết tiềm năng của các khuôn khổ quan hệ đối tác; việc triển khai một số thỏa thuận, cam kết hợp tác còn lúng túng, vướng mắc nên phần nào ảnh hưởng đến việc tranh thủ thời cơ, cơ hội mà các hoạt động đối ngoại mở ra; nguồn lực và một số cơ chế chính sách đối với công tác đối ngoại, ngoại giao chưa tương xứng với thế và lực mới của đất nước.
3 nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và cũng là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện những yếu tố mới, có cả cơ hội và thách thức đan xen.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ bao trùm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao yêu cầu ngành tập trung triển khai một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, nắm chắc, dự báo đúng tình hình, nhạy bén phát hiện các vấn đề mới, xu thế mới, nhận diện chính xác thời cơ để luôn giữ vững thế chủ động chiến lược trước diễn biến nhanh, phức tạp của tình hình.
Bên cạnh xử lý tốt các tình huống đối ngoại phức tạp nảy sinh, đặc biệt chú trọng nghiên cứu mang tính tổng thể, dài hơi và có chiều sâu về đối ngoại để chủ động tham mưu, cập nhật, bổ sung và hoàn thiện đường lối, chủ trương đối ngoại.
Thứ hai, tiếp tục triển khai đồng bộ, nâng tầm công tác đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại song phương và đa phương; ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân...
Nội dung cuối cùng có có ý nghĩa then chốt là thực hiện tốt chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 của Trung ương và tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, bảo đảm triển khai thông suốt, thống nhất công tác đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo bước tiến đột phá về xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
"Cùng với đó, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, biện pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia, tin cậy về phẩm chất, vững vàng về bản lĩnh, sâu sắc về chiến lược, nhạy bén về thời thế, khôn khéo về ứng xử và tinh thông về nghiệp vụ', Phó Thủ tướng đề nghị.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát động năm kỷ niệm 80 năm ngành ngoại giao.
Theo chinhphu.vn