Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe báo cáo của Viện Dinh dưỡng tập trung vào 16 nhóm nhiệm vụ mà Viện đã và đang triển khai thực hiện. Cùng với đó là những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất kiến nghị của Viện đối với Bộ Y tế.

Cụ thể, Viện đã tiếp tục rà soát và hoàn thiện nội dung hợp phần dinh dưỡng của Luật Y tế dự phòng, hoàn thiện khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam, xây dựng hướng dẫn quốc gia về giám sát và báo cáo các chỉ số dinh dưỡng và hướng dẫn kỹ thuật đánh giá các chỉ số nhân trắc. Cập nhật các tài liệu chuyên môn hướng dẫn bổ sung Vitamin A trên toàn quốc, xây dựng và trình phê duyệt 4 đề án thuộc hoạt động chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Viện Dinh dưỡng đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025. Hỗ trợ, tập huấn cho Sở y tế của 63 tỉnh, thành phố trong hoạt động lập kế hoạch, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; theo dõi và thu thập số liệu kết quả dinh dưỡng năm 2023 và kế hoạch năm 2024 của 63 tỉnh để phục vụ đề án nâng cao năng lực triển khai hoạt động dinh dưỡng; tổ chức 15 đoàn giám sát hỗ trợ kỹ thuật hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với hoạt động giám sát và cải thiện tình trạng dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng đã duy trì, tăng cường hệ thống giám sát, báo cáo số liệu quốc gia về dinh dưỡng tại 63 tỉnh, thành trên cả nước; hỗ trợ phân tích và công bố kết quả điều tra 30 cụm đối với tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng năm 2023 tại 56/63 tỉnh, thành phố; báo cáo phân tích số liệu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi với các chỉ số cụ thể: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2022 là 18,9%; tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em ước tính là 8,1%; tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng là 9,5%, vùng Tây Nguyên rất cao là 20,8%; tỷ lệ thiếu kẽm là 58%.

Năm 2024, Viện Dinh dưỡng thực hiện các hoạt động thuộc nhiệm vụ phòng, chống các bệnh không lây nhiễm được Bộ Y tế giao nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 tại Quyết định 1425/QĐ-BYT ngày 27/5/2024 của Bộ Y tế; hoàn thành và kiện toàn đề án phát triển Khoa dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm.

PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia báo cáo tại buổi làm việc
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia báo cáo tại buổi làm việc

Trước thực trạng tỷ lệ trẻ em lứa tuổi học đường có tỷ lệ thừa cân béo phì gia tăng nhanh chóng từ 8,5% năm 2010 tăng lên 19% năm 2020, trong đó khu vực thành thị cao nhất (26,8%) so với khu vực nông thôn (18,3%) và miền núi (6,9%).  Trên cả nước chỉ có 47,7% cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn học đường. Viện Dinh dưỡng đã tiến hành xây dựng đề án phát triển dinh dưỡng học đường giai đoạn 2024 - 2030.

Đối với công tác phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng tiếp tục thực hiện mục tiêu tại quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; Quyết định 1294/QĐ- BYT ngày 19/5/2022 của Bộ Y tế về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025; bổ sung và hoàn thiện hướng dẫn phòng, chống thiếu vi chất năm 2024; tổ chức triển khai chiến dịch uống Vitamin A trên phạm vi toàn quốc và tính đến nay đã đạt độ bao phủ 98,6%.

Tính đến tháng 6/2024, theo báo cáo của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã có 29.450 trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung vi chất dinh dưỡng, 31.434 bà mẹ mang thai được bổ sung vi chất dinh dưỡng và 74.724 trẻ dưới 5 tuổi được tư vấn bổ sung vi chất dinh dưỡng trong khuôn khổ chương trình.

Báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng nêu lên các hoạt động trong công tác dinh dưỡng trong bệnh viện, công tác truyền thông dinh dưỡng, công tác nghiên cứu khoa học, công tác đào tạo về dinh dưỡng, thực phẩm, công tác phát triển kỹ thuật các Labo, công tác khám, tư vấn dinh dưỡng, hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng….

Sau khi nghe báo cáo của Viện Dinh dưỡng, các thành viên của đoàn công tác đã đưa ra những ý kiến đóng góp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Viện Dinh dưỡng đưa ra đối với lĩnh vực mình quản lý

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: Viện Dinh dưỡng là Viện nghiên cứu khoa học đầu ngành về dinh dưỡng và thực phẩm, là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có chức năng nghiên cứu khoa học; đào tạo cán bộ; chỉ đạo chuyên môn tuyến dưới; truyền thông giáo dục sức khỏe, hợp tác quốc tế và cung cấp các dịch vụ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng, thực phẩm và an toàn thực phẩm trong phạm vi cả nước.

Trải qua hơn 44 năm thành lập và phát triển, với vai trò Viện quốc gia về dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng đã được giao các nhiệm vụ nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng và cơ cấu bữa ăn người Việt Nam, đề xuất cho Nhà nước các biện pháp tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước từng giai đoạn; phân tích giá trị dinh dưỡng của thực phẩm; nghiên cứu vệ sinh ăn uống, kiểm nghiệm thực phẩm; dinh dưỡng điều trị và đồng thời đào tạo cán bộ dinh dưỡng cho đất nước nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho mọi người dân thuộc mọi vùng, miền trong cả nước, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, kết quả đạt được của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Viện Dinh dưỡng trong giai đoạn vừa qua. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Đảng ủy và lãnh đạo Viện Dinh dưỡng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và hợp chặt chẽ với các Vụ, Cục, đơn vị liên quan của Bộ Y tế để tham mưu, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu kết luận
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu kết luận

Về công tác xây dựng chính sách và các văn bản chỉ đạo, chuyên môn kỹ thuật: Chủ động tham mưu Bộ Y tế trong việc cập nhật, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật và chỉ đạo chuyên môn về công tác dinh dưỡng như tiếp tục rà soát, hoàn thiện chi tiết nội dung chính sách về dinh dưỡng trong Luật Phòng bệnh; hoàn thiện khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam;

10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030; khẩn trương hoàn thiện 4 đề án về dinh dưỡng đã được Bộ Y tế giao Viện chủ trì tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng gồm: Đề án nâng cao năng lực triển khai chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, đề án dinh dưỡng hợp lý nâng cao sức khỏe nhân dân, đề án dinh dưỡng nữ vị thành niên và đề án dinh dưỡng người cao tuổi;

Về công tác tổ chức cán bộ: Đồng ý về chủ trương đối với đề xuất đổi tên Viện thành Viện Dinh dưỡng quốc gia để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, nâng tầm thương hiệu của Viện. Rà soát quy chế tổ chức, hoạt động của Viện để trình phê duyệt lại. Khẩn trương tuyển dụng biên chế đủ số lượng được giao;

Về tài chính: Đề nghị Viện rà soát lại các quy trình về tài chính kế toán để tổ chức thực hiện theo đúng quy định;

Về các hoạt động chuyên môn: Tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn công tác của Bộ; trực tiếp làm việc với các đơn vị chức năng liên quan của Bộ đối với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hoạt động của Viện;

Về nhiệm vụ của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương: Viện cần nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Bộ về tư vấn dinh dưỡng cho các cán bộ thuộc diện quản lý của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương;

Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng: Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1294/QĐ-BYT ngày 19/5/2022 về kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025. Đề nghị Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Dinh dưỡng xây dựng kế hoạch đánh giá sơ kết giữa kỳ và kế hoạch thực hiện cho năm tiếp theo;

Về nguồn lực: Giao Cục Y tế dự phòng làm đầu mối phối hợp với Viện Dinh dưỡng xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực về dinh dưỡng;

Công tác thông tin truyền thông cần đầy đủ, chính xác, hiệu quả; không truyền thông quá về tồn tại gây hiểu lầm, hoang mang cho người dân;

Tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động của Viện Dinh dưỡng luôn luôn đoàn kết nội bộ, đồng tâm hiệp lực, phát huy mạnh mẽ thành quả đã đạt được, tập trung cao độ nguồn lực trí tuệ, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, nâng cao hiệu quả các nghiên cứu, đề tài khoa học nhằm phát triển mạnh mẽ hơn trong công tác nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng và thực phẩm, chỉ đạo tuyến, đào tạo, hợp tác quốc tế và quản lý đơn vị, đồng thời phát triển tốt các hoạt động dịch vụ để đảm bảo đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động trong Viện; khẩn trương hoàn thành các hoạt động theo kế hoạch và đảm bảo tỷ lệ giải ngân.

Các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế căn cứ đề xuất, khó khăn của Viện hỗ trợ Viện để Viện triển khai các nhiệm vụ được giao, nâng tầm thương hiệu của Viện Dinh dưỡng.

Minh Anh(t/h)