Hiện trường nơi 3 học sinh nhiều lần ném đá gây vỡ kính tàu Bắc- Nam qua xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Hiện trường nơi 3 học sinh nhiều lần ném đá gây vỡ kính tàu Bắc- Nam qua xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong 6 tháng đầu năm 2024, trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe.

Trong đó, các vụ này xảy ra nhiều ở các địa phương như Khánh Hòa (18 vụ); Đồng Nai (15 vụ); Bình Định và Quảng Nam mỗi tỉnh có 8 vụ; Bình Thuận và Thừa Thiên Huế mỗi địa phương 5 vụ; Quảng Trị, Quảng Ngãi và Ninh Thuận mỗi địa phương có 4 vụ.

Ném đá để… đùa nghịch

Sáng ngày 19/7, Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa xác định được nhóm 3 học sinh gồm Tạ Quốc Đ. (SN 2009), Lại Anh Q. (SN2011) và Lại Phan Bảo NG. (SN 2008), cùng trú tại xã Đức Đồng là thủ phạm gây ra 3 vụ ném đá gây vỡ kính tàu Bắc Nam trong thời gian qua.

Cơ quan công an làm việc với 3 học sinh liên quan vụ ném đá vào các chuyến tàu Bắc - Nam.
Cơ quan công an làm việc với 3 học sinh liên quan vụ ném đá vào các chuyến tàu Bắc - Nam.

Trước đó, từ ngày 3/7 đến ngày 10/7, Công an huyện Đức Thọ tiếp nhận trình báo của các Trưởng tàu thuộc VNR về việc xảy ra 3 vụ ném đá lên tàu khi đi qua địa bàn gây thiệt hại 4,5 triệu đồng.

Vụ thứ nhất xảy ra vào 22h36, ngày 3/7, đoàn tàu SE4 chạy theo hướng Nam - Bắc đi qua địa phận xã Tân Dân bị ném đá lên tàu làm vỡ 1 ô cửa kính toa.

Vụ thứ 2 xảy ra vào hồi 20h43, ngày 8/7, đoàn tàu SE6 chạy theo hướng Nam - Bắc đi qua địa phận xã Đức Lạng bị ném đá làm vỡ 1 ô cửa kính toa số 2.

Vụ thứ 3 xảy ra vào lúc 20h50, ngày 10/7, đoàn tàu SE6 đi theo hướng Nam - Bắc, qua địa phận thôn Thanh Kim, xã Tùng Châu bị ném đất, đá làm vỡ 1 ô kính toa số 3. Tổng thiệt hại 3 vụ ném đá là 4,5 triệu đồng.

Sau khi tiếp nhận thông tin sự việc, Công an huyện Đức Thọ phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh và Công an các xã đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, các trường hợp trên thừa nhận, từ đầu tháng 7/2024 đến nay, do được nghỉ hè không phải đến trường, đã nhiều lần tụ tập, ném đất, đá vào các chuyến tàu đi qua địa bàn để đùa nghịch.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, hành vi ném đất, đá lên tàu gây mất an toàn chạy tàu, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của hành khách, nhân viên trên tàu, thiệt hại tài sản nhà nước. Vì vậy, Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Công an tỉnh, chính quyền các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng có hành vi ném đất, đá lên tàu.

Bên cạnh đó, cơ quan liên quan cần tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên biết hậu quả của việc ném đất, đá lên tàu để cùng nhau ngăn chặn.

Cần xử lý nghiêm

Theo VNR, tình trạng ném đất đá lên tàu vài năm qua đã giảm về số vụ, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay lại tăng trở lại. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở khu vực vắng vẻ hoặc vào ban đêm nên việc xác định thủ phạm rất khó. Thường khi tàu dừng lại và lực lượng chức năng có mặt thì người ném đá đã bỏ đi. Việc truy bắt đối tượng phải mất nhiều thời gian.

Tàu Bắc - Nam bị ném đá vỡ kính.
Tàu Bắc - Nam bị ném đá vỡ kính.

Để phòng, chống ném đất đá lên tàu, VNR đã chỉ đạo các đơn vị đường sắt liên quan chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng, các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết, xử lý tình trạng ném đất, đá lên tàu tại các khu vực hay xảy ra tình trạng ném đất, đá lên tàu; thường xuyên theo dõi, tổng hợp các vụ ném đất đá lên tàu để đến làm việc với các địa phương, triển khai các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn ném đất đá lên tàu.

Theo quy định tại Nghị định số 100/2019 (đã được sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021), cá nhân ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi ném đá vào tàu hỏa đang chạy bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Đồng thời người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nếu làm người khác bị thương buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, hành vi cố ý ném đá vào tàu hỏa làm người khác bị thương sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây thương tích với tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên. Hình thức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Luật Trật tự ATGT đường bộ vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã bổ sung nội dung nghiêm cấm hành vi ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông trên đường bộ. Quy định này đã chi tiết hóa quy định nghiêm cấm hành vi gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại Luật Giao thông đường bộ 2008. Điều này hy vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời là cơ sở để cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét các mức độ vi phạm để có chế tài xử lý nghiêm.

Khánh Trình