THCL - Báo Mỹ nêu khả năng Mỹ và phương Tây trực tiếp đưa quân tới Syria để giành lại hòa bình sẽ tiếp tục đẩy Syria thành "Việt Nam thứ hai".
Trang tin "National Interest" (Mỹ) mới đây có bài phân tích với tựa đề: "Mỹ chuẩn bị tham chiến trực tiếp tại Syria?" của tác giả Daniel DePetris, chuyên gia phân tích độc lập nói tới ý tưởng đưa quân sang Trung Đông để tiến hành cuộc chiến hòa bình cho người Syria và phe đối lập.
Theo nhà phân tích này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt các vấn đề về khả năng đưa quân tham chiến, can thiệp quân sự để chống lại Chính quyền của ông Bashar al-Assad để cứu giúp phe đối lập tại Syria. Với cuộc chiến rất nhiều phe phái tham gia vào bàn đàm phán, việc áp dụng vũ lực là giải pháp hiệu quả duy nhất để thuyết phục chế độ cầm quyền ở Syria trở lại bàn đàm phán với các phe phái đối lập, hướng tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực ở Trung Đông.
Vấn đề đặt ra là liệu Quốc hội Mỹ sẽ chấp nhận để Tổng Tư lệnh - đồng thời là Tổng thống Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự hay không?
Ông Obama thận trọng với kế hoạch triển khai quân sự ở Syria
Theo các chuyên gia pháp luật Mỹ, ông Obama có quyền quyết định các vấn đề liên quan tới lợi ích an ninh quốc gia và triển khai quân đội tới vùng chiến sự theo Đạo luật quyền tiến hành chiến tranh của Mỹ, mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong 60 ngày (có thể mở rộng thêm 30 ngày). Nếu sau khoảng thời gian này Nhà Trắng không nhận được sự ủy quyền của Quốc hội thì quân đội Mỹ mới ngừng hoạt động và rút lui khỏi vùng chiến sự.
Tuy nhiên, với những hợp lực mới đây ở Syria giữa các bên tham gia, thật khó để việc sử dụng vũ lực ở Syria của Mỹ mang lại thành công.
Bình luận của mạng tin "Debka" cho rằng những lựa chọn cho sự can thiệp nghiêm túc của phương Tây hay dùng vũ lực Mỹ vào cuộc chiến Syria đang nhanh chóng bị thu hẹp vì những lý do sau:
Một là, Mỹ không có cách nào để đưa tên lửa tới tay các nhóm nổi dậy Syria, nhất là những nhóm đang chiến đấu ở phía Đông Aleppo. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (đang kiểm soát 5.000 km2 phía Bắc Syria) đều sẽ không để cho những vũ khí này đến được đích.
Hai là, nếu đồng ý với giải pháp này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đơn giản chỉ cần ra lệnh cho quân đội của ông mở một tuyến đường để cung cấp tên lửa cho phe nổi dậy đang bị bao vây ở Aleppo bởi các lực lượng Nga, Syria, Iran và Hezbollah. Tổng thống Erdogan từ chối đưa ra mệnh lệnh đó vì những thỏa thuận quân sự mà ông vừa đạt được với người đồng cấp Nga Vladimir Putin hồi tuần trước ở Istanbul, gạt bỏ mọi mối lo ngại liên quan tới số phận của những nhóm nổi dậy ở Aleppo.
Ba là, nội dung những thỏa thuận giữa hai bên xác nhận "vùng an ninh" Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria sẽ được bảo vệ bằng một vùng cấm bay chung, trừ các máy bay của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bốn là, liên minh quân sự của Ankara với Moskva đang nhanh chóng làm xói mòn quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và NATO.
Có thể thấy khi nhiệm kỳ tổng thống sắp kết thúc, ngay cả khi ông Obama có được “cái gật đầu” của Quốc hội Mỹ thì thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mới đây cũng sẽ khiến cho Mỹ và phương Tây khó có thể tiến hành can thiệp quân sự tại quốc gia này.
Sau khi tham chiến, Nga hiện là thế lực nước ngoài lớn ở Syria. Mọi giải pháp cuối cùng cho cuộc chiến Syria đều phải tính đến lợi ích của Nga. Kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, các nước Trung Đông buộc phải thừa nhận Nga là một cường quốc và hành động của Moscow ở Syria đã hạn chế khả năng can thiệp quân sự của Mỹ vào cuộc nội chiến Syria.
Can thiệp quân sự Syria: Mỹ biến Syria thành Việt Nam thứ 2
Theo Washington Post, rất có thể sự can thiệp của Mỹ vào Syria sẽ nhanh chóng gia tăng cấp độ, do thái độ tắc trách của Nhà Trắng, giống như trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam những thập niên 60 của thế kỷ trước.
Lính đặc nhiệm Mỹ đeo huy hiệu của người Kurd trên cánh tay phải. Ảnh: Reddit
Lượng lính đặc nhiệm của Mỹ được gửi đến Syria đã tăng lên từ con số 50 người tới nay là bao nhiêu, không ai biết và Lầu Năm Góc vẫn muốn mở rộng sự hiện diện.
Nửa thế kỷ trước, Washington đã không thể kiểm soát sự can thiệp của mình vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Những sai lầm đã khiến sự hiện diện quân sự của Mỹ nhanh chóng tăng lên nửa triệu binh sĩ trong vòng 8 năm. Nước Mỹ bị cuốn vào một cuộc chiến không lối thoát.
Hiện nay Hoa Kỳ đã tăng thêm vài ngàn quân, đưa thêm cả máy bay chiến đấu tàng hình vào Syria, tiếp đó, Washington sẽ tiếp tục phải đối diện với sự lựa chọn khắc nghiệt là “đầu hàng hay đặt cược gấp đôi”? Nếu chấp nhận “đánh bạc”, Mỹ sẽ bị sa lầy.
Theo Washington Post, ở trường hợp này cũng như vào thời điểm đầu cuộc chiến tranh Việt Nam, Nhà Trắng sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào, chỉ để chứng tỏ rằng họ có được thành công trong chiến dịch quân sự ở Syria và Iraq, giành chiến thắng trước Nga.
Tình hình ở Syria hôm nay lại khơi gợi ký ức đau đớn trong tâm trí những người dân Mỹ. Chính quyền của ông Barak Obama lại đưa ra cam kết, điều động quân đội và rót hàng tỷ USD tiền thuế của nhân dân để tham gia một cuộc xung đột mà không biết rõ tương lai của nó sẽ đi về đâu.
Can thiệp quân sự dẫn theo lợi ích Mỹ ở Trung Đông?
Rõ ràng, những người thiên về hành động quân sự cần phải trả lời câu hỏi: Liệu Nhà Trắng quyết định tiến hành chiến tranh chống lại chính phủ Syria và đối đầu trực tiếp với cường quốc như Nga có nằm trong lợi ích quốc gia của nước Mỹ?
Việc xác định những lợi ích của Mỹ trong cuộc nội chiến Syria vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Thất bại của Tổng thống Obama không phải là ở chỗ ông đã từ chối can thiệp quân sự, mà là sau 5 năm chiến tranh, ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa xác định rõ ràng lợi ích quốc gia của Mỹ là gì trong cuộc chiến này.
Đây không phải là một cuộc chiến mà Washington phát động và Syria cũng không phải là một trong những quốc gia có giá trị chiến lược lớn đối với Mỹ. Cuộc nội chiến Syria không phải là một mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Không những thế, Mỹ còn thu được những lợi ích nhất định từ cuộc nội chiến kéo dài này.
Nội chiến đã làm suy yếu nghiêm trọng Syria, một kẻ thù truyền thống đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Nó cũng làm chảy máu Hezbollah và Iran về tài chính và quân sự. Iran đã mất hàng chục viên tướng, trong đó có tướng cấp cao, trong cuộc chiến Syria. Đây chính là cuộc chiến mà kẻ thù của Mỹ đang tàn sát lẫn nhau: một bên là Iran, Assad và Hezbollah, còn bên kia là đám chiến binh thánh chiến Sunni cực đoan.
Không những vậy, các nhóm thành chiến cực đoan như Al-Qaeda phát triển mạnh sự sụp đổ của nhà nước Syria ở một số khu vực và một nhà nước Iraq suy yếu nghiêm trọng đã tạo ra những kẻ khủng bố. Hậu quả là các phần tử khủng bố thường xuyên tấn công Châu Âu cũng như các cuộc tấn công khủng bố của đám “sói đơn độc” bị nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở Mỹ.
Dù khó có thể trở thành một mối đe dọa đáng kể đối với siêu cường Mỹ nhưng nguy cơ bị khủng bố tấn công ngày càng cao buộc Washington phải bình định Syria, Iraq và triệt tiêu các khu vực vô chính phủ vốn là hang ổ của các nhóm khủng bố cực đoan.
Can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria chỉ nhằm gây ảnh hưởng tới Nga.
Trong khi đó, người đối đầu - Nga đang ngày càng có vai trò ảnh hưởng lớn. Chiến lược kéo Nga sa lầy của Mỹ đã thất bại.
Cuộc can thiệp quân sự của Nga ở Syria thách thức trực tiếp vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc quản lý an ninh toàn cầu và duy trì độc quyền về sử dụng vũ lực.
Việc Washington để cho Nga quyết định kết cục cuộc xung đột Syria phơi bày sự yếu kém của Mỹ và có thể khuyến khích một sự lặp lại hành động tương tự ở những nơi khác.
Một điều đặc biệt Mỹ sẽ phải chú ý, liệu có phải việc triển khai lực lượng quân sự mạnh ở Syria và tấn công đồng minh của Moscow có phải phương tiện duy nhất để kiềm chế nước Nga?
Huy Vũ - baodatviet