Bắt đầu từ 8h ngày mai (16/8), chính quyền thành phố Đà Nẵng áp dụng biện pháp mạnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong vòng 7 ngày để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, bóc F0 ra khỏi cộng đồng nhằm kiểm soát tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ra hết sức phức tạp.
Nói về biện pháp mạnh này, tại cuộc họp tối 14/8, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, thành phố áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn là quyết định rất cần thiết và phù hợp với tình hình mới về “cuộc chiến” phòng, chống dịch hiện nay.
“Công việc trong 7 ngày tới là rất lớn và chưa có tiền lệ. Có thể coi như đây là trận đánh lớn của chúng ta trong công tác phòng, chống dịch. Gần như chúng ta dốc lực lượng và thành công hay không là do chính chúng ta”, ông Quảng nhấn mạnh.
Nhận định 7 ngày tới, thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, ông Quảng yêu cầu các ngành, các cấp phải hạ quyết tâm, tập trung cao độ công tác chuẩn bị.
“Xác định 7 ngày tới là để cắt chuỗi lây nhiễm và bóc F0 ra khỏi cộng đồng chứ không phải chấm dứt chống dịch. 7 ngày tới không phải có thể tuyên bố hết dịch mà là để có những biện pháp phù hợp hơn trong công tác phòng, chống dịch. Không phải dốc sức làm 7 ngày rồi dịch sẽ hết. Tôi nhắc lại để nêu cao quyết tâm”, ông Quảng lưu ý.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nếu không kiểm soát được tình hình dịch bệnh sau 7 ngày, thì thành phố sẽ phải tiếp tục thêm 7 ngày giãn cách.
Ông Quảng yêu cầu, trong quá trình triển khai, lãnh đạo các địa phương phải bám sát thực tiễn để chủ động, linh hoạt và quyết đoán trong xử lý tình huống phát sinh, không máy móc, không chờ hướng dẫn từ cấp trên.
“Tất cả bí thư, chủ tịch từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, tổ phải trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị và kiểm tra, xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tiễn 7 ngày tới. Tôi khẳng định, thường trực sẽ bí mật, bất ngờ đi kiểm tra xuống tận hộ dân”, ông Quảng khẳng định.
Đề cập vấn đề này, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lưu ý ngành chức năng đặc biệt giám sát, kiểm tra chặt chẽ ở những khu vực đông dân cư, xem xét khu vực nào cần thiết thì phải phong tỏa ngay. Các đơn vị phải rà soát lại những công việc cần chuẩn bị cho 7 ngày tới và hoàn thành trước 14h ngày 15/8.
“Tôi đề nghị các đồng chí từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường phải hạ quyết tâm trong cuộc chiến rất cam go này thì mới đạt được thắng lợi vào ngày 23/8. Cuộc chiến này còn dài chứ chưa kết thúc ở đó. Sau 7 ngày, thành phố mong muốn sẽ đánh giá toàn diện và kiểm soát được dịch Covid-19”, ông Chinh nhấn mạnh.
Ghi nhận của PV Thương hiệu và Công luận trước ngày chính quyền thành phố Đà Nẵng thực hiện lệnh “giới nghiêm”, về phía chính quyền sở tại, nêu quyết tâm cao, quyết liệt, cả một hệ thống chính trị vào cuộc, xem đây là một trận đánh lớn chưa từng có…
Đặc biệt, lưu ý đến đời sống của người dân và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ khâu thực phẩm thiết yếu. không để người dân thiếu thốn trong những ngày diễn ra lệnh “giới nghiêm”. Các địa phương đã kiểm tra đến các hộ gia đình để nắm tình hình thực tiễn…
Về phía người dân, trong những ngày qua, hầu hết đã chuẩn bị chỉn chu những nhu yếu phẩm, cần thiết dùng trong gia đình khá đầy đủ.
Ông Nguyễn Văn H, hơn 70 tuổi, trú quận Thanh Khê cho biết:
“Tôi sống ở đây đã lâu, nhưng chưa bao giờ thấy chính quyền siết chặt, mạnh tay và quyết liệt như thế này, dịch tàn ác quá. Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết liệt là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, không thì sẽ như thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày qua thì khó lường”.
Anh Trương Xuân Nam, trú tổ 35, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) chia sẻ với PV:
“Em có trang trại trên xã Hòa Ninh ( huyện Hòa Vang) chăn nuôi gia cầm và trồng rau, củ, quả. Trường hợp của em địa phương thì cấp giấy đi đường, nhưng lên đó rồi, về không được, vì khác huyện, đành phải nhờ người bạn ở cạnh trang trại, hàng ngày nhảy rào vào cho gia cầm ăn và tưới cây hộ, vì cửa ngõ đã bị khóa. Lãnh đạo thành phố dùng biện pháp mạnh là hoàn toàn đúng, có như vậy người dân mới yên tâm”.
Nhìn chung, chính quyền thành phố Đà Nẵng triển khai biện pháp mạnh, thực hiện "ai ở đâu ở đó" được người dân toàn thành phố đồng thuận xem “chống dịch như chống giặc”…
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế:
"Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp chống dịch hiệu quả, từ đó đã kiểm soát được một số chuỗi lây nhiễm phức tạp. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn ở mức nguy cơ rất cao, do phát hiện thêm một số chuỗi ca mắc mới.
Ngoài các biện pháp chống dịch hành chính được triển khai, ngành y tế đã có sự chuẩn bị để đối phó với các tình huống có thể xảy ra, như việc chuẩn bị về nhân sự - kêu gọi bác sĩ về hưu, sinh viên ngành y cùng tham gia, chuẩn bị về phương tiện vận tải công cộng để phục vụ chở bệnh nhân lúc cần thiết…
Về việc điều trị, hiện thành phố có khoảng 2.500 giường thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, thành phố đã thiết lập được 300 giường hồi sức, có đầy đủ trang thiết bị, điều kiện vật chất để điều trị cho bệnh nhân nặng.
Theo tính toán của chúng tôi, nếu số bệnh nhân vượt quá con số 6.000 người, hệ thống y tế thành phố sẽ quá tải. Do vậy, bên cạnh việc chuẩn bị nhiều nguồn lực chống dịch, chúng ta cũng đang triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin nhanh và an toàn.
Đề nghị việc thực hiện giãn cách "ai ở đâu ở yên đó" một cách thực chất và tăng cường giám sát, xử phạt để đảm bảo phòng chống dịch"...
Hoàng Hữu Quyết