Theo Ủy ban Châu Âu (EC), Hội đồng Châu Âu đã thông qua gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, tập trung vào việc cấm nhập khẩu kim cương có nguồn gốc từ Nga, áp đặt thêm các lệnh cấm nhập khẩu và xuất khẩu đối với hàng hóa Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Về tổng thể, gói trừng phạt thứ 12 cho thấy dường như họ đang cạn kiệt đối tượng để áp đặt lệnh trừng phạt”.
Trong gói trừng phạt mới, các nước thành viên EU sẽ bị cấm nhập khẩu kim cương, cả tự nhiên và nhân tạo, được khai thác và chế tác tại Nga từ tháng 01/2024. Ngoài ra, kim cương Nga được chế tác tại nước ngoài bị cấm từ tháng 09/2024.
“Tôi không nghĩ rằng các lệnh trừng phạt này không có cách để qua mặt. Chắc chắn có cách và chúng tôi sẽ thực hiện”, ông Peskov khẳng định.
Phái đoàn ngoại giao của Nga tại EU nhận định rằng, các lệnh trừng phạt mới cho thấy các biện pháp cấm vận chống lại Nga đã không thành công. Nền kinh tế Nga không bị “xé nát”, những nỗ lực cô lập Nga trên trường quốc tế đã bất thành.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Nga sẽ có phản ứng đối với các lệnh trừng phạt của EU.
Trung bình mỗi năm, ngành công nghiệp kim cương Nga đạt doanh thu 4-5 tỷ USD. Một phần khoản lợi nhuận từ kim cương bị các nước phương Tây cho rằng được Nga sử dụng chi cho quân sự.
Không chỉ cấm nhập khẩu kim cương, gói trừng phạt mới nhất còn nhắm vào việc xuất khẩu các công nghệ lưỡng dụng (phục vụ cả dân sự và quân sự) cho Nga. Gói trừng phạt mới cũng thắt chặt các quy định đối với những bên mua dầu của Nga thông qua cơ chế trần giá mà G7 ban hành.
Cơ chế chia sẻ thông tin sẽ được tăng cường để xác định các tàu và công ty sử dụng các phương pháp nhằm lách các hạn chế. EU cũng quy định bắt buộc phải thông báo việc bán tàu chở dầu cho bất kỳ nước thứ ba nào để ngăn chặn việc chúng được sử dụng để lách lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Bên cạnh đó, gói trừng phạt này còn đưa ra lệnh cấm nhập khẩu mới đối với khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) với thời gian chuyển tiếp một năm cũng như danh sách các sản phẩm kim loại, bao gồm gang, ống dẫn khí, dây đồng, nhôm, giấy bạc với tổng giá trị là 2,2 tỷ Euro (2,4 tỷ USD) mỗi năm.
Một trong số các biện pháp trừng phạt đáng chú ý được Châu Âu đưa ra bao gồm “giữ các cá nhân đã qua đời trong danh sách phong tỏa tài sản nhằm tránh việc các biện pháp phong tỏa này bị suy yếu”.
Hãng thông tấn TASS bình luận: Việc tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt lên người đã chết là động thái chưa từng có tiền lệ.
EU tuyên bố sẽ phong tỏa tài sản của hơn 140 công dân và tổ chức Nga. Các hạn chế bao gồm các đối tượng thuộc quân sự, ngành công nghiệp quốc phòng Nga, bao gồm các công ty công nghiệp quân sự và các công ty quân sự tư nhân, trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Có 29 công ty trong danh sách bị trừng phạt, trong đó có một số công ty thuộc các nước thứ ba, có liên quan đến việc lách các hạn chế.
Hải Dương (t/h)