Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái: Cộng đồng chung tay thực hiện - Hình 1

Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh - Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ

Hiên nay, nạn hàng giả, hàng nhái là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Ở góc độ cơ quan quản lý, bà đánh giá như thế nào về tình trạng vi phạm này?

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại khá phổ biến trên thị trường, mức độ tinh vi hơn và phức tạp hơn. Những hàng hóa xâm phạm quyền SHTT hay hàng giả có thể nhìn thấy ở nhiều loại mặt hàng khác nhau. Trước đây, hàng giả được sản xuất với chất lượng kém hơn rất nhiều so với hàng thật nhưng hiện nay, rất khó để phân biệt được hàng giả, hàng nhái và hàng chính hãng.

Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử cũng kéo theo những vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT trên môi trường điện tử. Những vi phạm này đang ngày càng nhiều và rất khó khăn để xử lý, từ việc xác định đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm…

Có ý kiến cho rằng, chế tài xử phạt vi phạm hiện nay chưa đủ sức răn đe nên hàng giả, hàng nhái mới hoành hành. Quan điểm của bà trước vấn đề này như thế nào?

Hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam hiện nay được đánh giá khá tương thích với các quy định pháp luật quốc tế. Điều này cũng đã được Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ghi nhận. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, có rất nhiều biện pháp và chế tài khác nhau để xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT cũng như sản xuất, kinh doanh hàng giả, từ xử lý hành chính, dân sự đến hình sự. Trong đó, khi bị xử lý hình sự, chế tài cao nhất là phạt tù và cấm thực hiện những hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định.

Thời gian gần đây, cộng đồng quốc tế rất quan tâm đến việc Việt Nam đã có quy định mới trong Bộ Luật Hình sự. Quy định này đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc xử lý hình sự đối việc sản xuất, kinh doanh hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT, giúp việc ngăn chặn và xử lý vi phạm hiệu quả hơn.

Để đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa bà?

Hiện nay, người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân ở Việt Nam chưa nhận thức được đầy đủ hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng như sử dụng các mặt hàng đó. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam thích dùng hàng hiệu, trong khi thu nhập hạn chế, đây cũng chính là một trong những lý do khiến tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam có "đất" phát triển. Do đó, tôi cho rằng, để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, vấn đề quan trọng đầu tiên là cần có những biện pháp thiết thực và thực sự hiệu quả để nâng cao nhận thức của cộng đồng về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Chẳng hạn, đưa giáo dục về vấn đề này vào trong các trường học, ngay từ bậc mẫu giáo. Chúng ta có thể học bài học của các nước phát triển dạy các em biết tôn trọng sự sáng tạo của người khác, biết những tác hại của hàng giả thông qua những câu chuyện đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phối hợp. Hiện nay, cơ chế phối hợp đã được thiết lập gồm Ban chỉ đạo 389 trung ương và địa phương, hay Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT (Chương trình 168) với sự tham gia của nhiều bộ, ngành… Đây là điều rất cần thiết, vì nhiệm vụ chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống và hệ thống đó phải có sự hợp tác chặt chẽ. Tuy nhiên, việc phối hợp không chỉ của các cơ quan nhà nước mà cả cộng đồng DN, các hiệp hội có liên quan và tổ chức quốc tế.

Xin cảm ơn bà!

Theo congthuong.vn