Các loại giầy dép, ví da, túi xách nhái hàng hiệu được bày bán công khai tại một số cửa hàng trên đường Cầu Giấy, Xuân Thủy (Hà Nội)
“Hàng nhà em là hàng face 1 của các hãng Nike, Adidas, Gucci… được nhập từ Quảng Châu, Trung Quốc. Mặt hàng này có mẫu mã giống tới 90% hàng thật, chỉ khác là chất lượng kém hơn một chút và có giá bán từ 1.000.000 đồng trở xuống…”, đó là khẳng định của một nhân viên bán giày tại một shop trên đường Cầu Giấy.
Trong vai khách hàng, phóng viên ghé vào một cửa hàng bán túi sách tay, giày nữ khác trên đường Cầu Giấy, không khó để nhận ra các mẫu mã, thương hiệu được làm nhái rất phổ biến, bày bán ngang nhiên trên kệ như: Hermes – Paris, Louis Vuitton – Pháp, Burberry – Anh, Chanel – Pháp, Gucci – Ý…, được rao bán với giá từ 100.000 nghìn đồng tới 500.000 nghìn đồng với các mẫu mã mới nhất hiện nay.
Lướt qua một lượt các mặt hàng mỹ phẩm cũng tương tự. Thị trường này cũng đa dạng về chủng loại, thương hiệu. Thậm chí, nhiều sản phẩm làm nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Lancôme, Ohui, Naris, L’Oreal hay các nhãn hiệu bình dân như Essance, Tony Moly, Pond's, Maybelline... cũng được công khai bày bán với giá rất “bèo”.
Không khác nhiều về kiểu dáng, mẫu mã, nhưng chiếc túi xách nhái hàng hiệu này chỉ có giá vài trăm nghìn đồng
Theo quan sát của phóng viên, các dòng mỹ phẩm này được phân loại theo các mức face 1, face 2… và có các mức giá tương đương. Nhưng, thực hư về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, thì chỉ có chủ cửa hàng mới biết!?.
Bên cạnh đó, thị trường nước hoa nhái cũng không kém phần sôi động. Trên tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, các cửa hàng bày bán đủ hãng nổi tiếng trên thế giới như: Chanel, Boss, Dior, Calvin Klein, Versace, Dolce & Gabbana... với mức giá “ưu đãi” từ 50.000 đến 200.000 nghìn đồng. Đơn cử như, nước hoa cao cấp Chanel (chai 100ml) hàng chính hãng có giá bán hơn 2 triệu đồng, thì tại chợ Nhà Xanh sản phẩm này chỉ có giá 80.000 đồng.
Một cửa hàng kinh doanh giầy, ví da, túi xách trên tuyến đường Cầu Giấy (Hà Nội)
Đặc biệt, tại khu vực chợ Nhà Xanh (đường Xuân Thủy, Cầu Giấy), hầu hết các dòng mỹ phẩm được bày bán la liệt. Đa phần sản phẩm ở đây được bày bán với giá thành vô cùng rẻ mạt. Theo tìm hiểu, chúng tôi không khỏi giật mình bởi, phần lớn các sản phẩm này đều được nhập lậu từ biên giới phía Bắc. Điều lạ là, hầu hết đều ghi địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên lạc, mã vạch và tem bảo hành trùng khớp với sản phẩm chính hãng.
Những mặt hàng này được làm rất tinh vi, nếu nhìn bằng cảm quan thì rất khó để người tiêu dùng có thể phân biệt được thật, giả. Bên cạnh đó, các sản phẩm này còn sử dụng bao bì thật, nhưng lõi bên trong là giả. Vì vậy không thể tìm thấy 1 sự khác biệt nào về “ngoại hình” giữa đồ thật và đồ giả.
"Mỹ phẩm rởm" được bày bán la liệt tại Chợ Nhà Xanh (đường Xuân Thủy, Cầu Giấy)
Để tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý địa bàn của cơ quan chức năng, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ, đặt lịch làm việc với Đội Quản lý thị trường số 13, tuy nhiên cơ quan này yêu cầu phóng viên phải sang làm việc với bên Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội. Đáng nói, khi phóng viên tới Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thì đơn vị này lại tiếp tục “đá quả bóng” trách nhiệm – yêu cầu phóng viên sang làm việc với Sở Công thương Hà Nội. “Nếu có chỉ đạo của Sở, thì Chi cục mới được phép trả lời báo chí”, đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh.
Khi mà vấn nạn hàng giả, hàng nhái tung hoành, bủa vây người tiêu dùng, làm thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước nhà, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính đứng trước bờ vực phá sản… thì câu chuyện trách nhiệm lại đang được Đội Quản lý thị trường số 13, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội “đá đi, đá lại” như thế này!?
Trụ sở Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội
Câu chuyện trách nhiệm “bỏ ngỏ”, nhưng hậu quả của vấn nạn hàng giả, hàng nhái thì vẫn còn đó. Để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác quản lý, thiết nghĩ UBND TP. Hà Nội, Sở Công thương và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, đồng thời có biện pháp xử lý dứt điểm thực trạng trên.
Vừa qua, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia).
Theo đó, để công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có được chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các điểm nóng nghiêm trọng về tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Kiều Trinh – Thu Hà