Sản phẩm tràn lan
Tại dienmaytoanthang.com, các sản phẩm bộ đàm của hãng được bày bán là TK-1118, TK-3207S, TK-3206S, TK-3290, TK-3207...
Khảo sát tại cửa hàng Thế giới số 3A trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), chúng tôi được nhân viên bán hàng giới thiệu bộ đàm Kenwood mã TK-U300 sản xuất tại Singapore, có dán tem bảo hành của công ty với mức giá 750.000 đồng/sản phẩm. Khi hỏi về cách đăng ký tần số, nhân viên bán hàng nói: “Không cần đăng ký, mua về dùng được luôn. Đây có 16 kênh tần số, chị muốn dùng kênh nào, vặn vào số đó cho tất cả các máy là được”.
Cửa hàng Thế giới số 3A trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội)
Khi thắc mắc về việc bị trùng tần số với đơn vị khác vì không đăng ký tần số riêng, nhân viên bán hàng cho rằng: “Nếu lẫn với đơn vị khác thì chị sử dụng kênh tần khác, có tận 16 kênh để lựa chọn mà”.
Tiếp tục hỏi về giấy chứng nhận xuất xứ, nhân viên bán hàng cho biết: “Không có giấy tờ, vì là hàng xách tay nên giá mới rẻ như vậy. Nếu có giấy tờ COCQ thì phải mất thêm 10% tiền thuế, giá sẽ đắt hơn”.
Liên hệ với văn phòng đại diện của Kenwood tại Việt Nam, PV được cung cấp danh sách các mã thiết bị của hãng sản xuất và nhận thấy không có mã sản phẩm nào như trên. Bà Nguyễn Thị Kim Liên, đại diện Kenwood tại Việt Nam cho biết: Kenwood không ký hợp đồng cung cấp hàng với các địa chỉ trên: Với mỗi đại lý chính thức, bên hãng sẽ cung cung đầy đủ giấy tờ công bố hợp quy của thiết bị, giấy tờ từ nhà nhập khẩu. Mỗi lô hàng sẽ có 1 bản chính có giá trị trong vòng 2 năm, khách hàng mua sẽ có bản scan công chứng. Hiện hãng chỉ ký chính thức với 6 đại lý trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Phương Chi, Phó giám đốc Công ty CP Thông tin mạng Việt Nam, đại lý chính thức của Kenwood tại Việt Nam chia sẻ: “Các sản phẩm Kenwood của đại lý đều có tem chống hàng giả của Kenwood, tem hợp quy chứng nhận sản phẩm - được Bộ Thông tin Truyền thông cho phép lưu hành tại Việt Nam, những sản phẩm không có tem, đều là hàng giả, hàng nhái”.
Hệ luỵ tiềm ẩn
Thực tế, hàng loạt bộ đàm nhái thương hiệu Kenwood được bày bán công khai trên các website và cửa hàng tại Hà Nội, khiến nhiều khách hàng mua phải bộ đàm chất lượng không đảm bảo.
Theo bà Liên: “Tình trạng hàng nhái diễn biến rất phức tạp. Nhiều đơn vị liên hệ với bên đại lý chính hãng, mua thiết bị thật để được cung cấp giấy tờ thật. Tuy nhiên, họ sẽ dùng phần mềm chỉnh sửa để gõ thêm những thiết bị không có trong danh mục, số seri kèm nhiều thông tin khác đánh lừa khách hàng”.
Nhiều đơn vị bán hàng nhái còn tinh vi hơn trong việc in ấn sắc nét để lừa gạt khách hàng. Họ sẽ mua máy chính hãng về để xem các thiết bị in ấn chữ gì, sẽ in hệt như thế.
Bà Liên nói: “Họ sẽ xây dựng nhiều sự lựa chọn cho khách hàng ở mức giá và mức giá nào cũng sẽ có máy đáp ứng. Riêng máy của Kenwood, giá thấp nhất là 1.800.000 đồng, không có giá vài trăm ngàn như trên website công bố. Những đơn vị bán hàng nhái để mức giá tương đương với giá của hãng, họ sẽ thu về lợi nhuận rất cao, còn khách hàng thì vừa mất tiền lại sử dụng máy không đảm bảo chất lượng. Điều quan trọng là uy tín của thương hiệu Kenwood sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”.
Sản phẩm hàng nhái có giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng - đồng nghĩa với chất lượng kém, dễ hỏng hóc thiết bị. Tại nhiều cơ sở bán hàng, khi khách hàng phát hiện hỏng hóc muốn bảo hành thì không được cơ sở đáp ứng.
Bà Phương Chi lo ngại: “Nếu để tình trạng hàng nhái bày bán tràn lan, sẽ ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của quốc gia. Bởi bên sản xuất hàng nhái đã nạp sẵn tần số, rất nhiều khả năng sẽ bị trùng với những đơn vị bí mật trong lực lượng công an... Đại lý bán máy cho khách hàng, phải có giấy phép của Cục Tần số (Bộ Thông tin Truyền thông) cấp cho riêng khách hàng đó. Nếu lập trình bừa trong máy, khi thì kênh bị sôi, rè, khi bị sử dụng trùng với bên khác gây nhiễu loạn thông tin”.
Trúc Mai