'Thả nổi' việc mở sànTMĐT - cơ hội cho hàng giả hàng nhái xâm nhập thị trường - Hình 1

Nhiều hàng hóa bày bán trên các sàn thương mại điện tử không được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh chụp màn hình

Là chủ một shop bán đồ lưu niệm tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), anh Nguyễn Điệp chia sẻ rằng chưa bao giờ bán hàng trên mạng tại dễ dàng và thuận tiện như bây giờ. Chỉ vài click chuột, anh đã có gian hàng riêng trên một số sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo.

“Mở tài khoản trên sàn thương mại điện tử đơn giản đến mức dễ như mở một tài khoản ở diễn đàn nào đó. Chủ shop không cần đăng ký kinh doanh và không phải trả phí cho nhà xây dựng nền tảng. Chủ shop cũng gần như thoải mái muốn bán gì thì bán, bán giá nào thì giá, đăng thông tin thế nào thì đăng trên các sàn”, anh Điệp cho biết.

'Thả nổi' việc mở sànTMĐT - cơ hội cho hàng giả hàng nhái xâm nhập thị trường - Hình 2

Thủ tục đăng ký bán hàng trên các trang thương mại điện tử khá đơn giản. Ảnh chụp màn hình

Tương tự ánh Điệp, chị Đỗ Toàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng mở gian hàng trên Shopee để bán quần áo. Chị thậm chí không có cửa hàng. Thông qua một người quen sở hữu xưởng may chuyên gia công hàng thời trang, chị Toàn chỉ việc chọn các mẫu bán chạy, mẫu mã đẹp để nhập về, chụp ảnh và đăng lên gian hàng của mình. 

Chị bảo điểm đặc biệt nhất của sàn thương mại điện tử là chị Toàn có thể thoải mái quảng cáo sản phẩm của mình, miễn là hút được khách. Chị giới thiệu sản phẩm mình bán là hàng Việt Nam xuất khẩu loại tốt, hàng xuất khẩu dư, số lượng có hạn, mẫu mã đúng kiểu xuất khẩu đi châu Âu hay Mỹ, hàng xuất dư cho Zara, H&M hay Uniqlo…

Những lời quảng cáo đó, theo lời chị Toàn, là “không bị đánh thuế” nên có thể vô tư, thoải mái làm. Chị nói rằng sàn tạo điều kiện tối đa để chủ shop thoải mái kinh doanh.

Anh Nguyễn Điệp cho biết từ khi mở tài khoản bán hàng trên Shopee và Sendo khoảng gần 1 năm trở lại đây, hoàn toàn không hề bị các sàn này kiểm duyệt. Bất kỳ hàng nào mà chủ shop đăng lên, lập tức xuất hiện ngay trên trang, vào có thể chào hàng.

“Khi mở shop trên Sendo, có một bước yêu cầu cam kết không bán hàng giả, hàng nhái, mình chỉ cần click vào là xong. Với Shopee thậm chí không yêu cầu chuyện đó. Nhưng ngay cả có yêu cầu cam kết như Sendo thì cũng không kiểm duyệt gì đâu, mình muốn bán gì thì bán thôi”, anh Điệp nói.

Là một người bán giày online, chị Hải Lý (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết chính bản thân cũng cảm thấy bất ngờ về sự “thoải mái” khi đi bán hàng trên Shopee và Sendo. Chị Lý cho biết bản thân nhập giày của một số mối ở Lạng Sơn mà chính chị cũng không rõ nguồn gốc.

“Mình cứ thấy mẫu nào đẹp, mẫu nào chạy là nhập về thì bán thôi, chứ mình cũng không biết nguồn hàng. Cứ theo mác dán trên sản phẩm mà quảng cáo là giày Adidas, Nike, Lining… rồi bán thôi. Tôi cũng không thấy ai phàn nàn hay kiểm duyệt gì về hàng hóa bán trên đó cả”, chị Lý nói.

Khi khách hàng mua hàng trên sàn, chủ shop online sẽ được thông báo và tự gói hàng cho khách. Hàng sẽ được giao cho một đơn vị vận chuyển mà sàn kỳ hợp tác để chuyển cho khách hàng.

Nghĩa là, hàng hóa có thể đóng gói sơ sài hay kỹ càng là tùy ở chủ shop online. Ngoài ra, đơn vị vận chuyển hàng hóa có thể chuyển hàng nhanh hay chậm, chủ shop online cũng không được biết.

Việc kiểm soát một cách sơ sài, thậm chí là không kiểm soát các mặt hàng đăng bán của các sàn thương mại điện tử khiến khách hàng như gặp không ít phiền toái khi mua sắm, thậm chí là “lạc” giữa một rừng hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Cũng từ việc không kiểm soát hàng hóa đăng bán, một shop online tại Hà Nội đã “vô tư” bán đồ chơi cho trẻ em có bản đồ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Shopee. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi phụ huynh mua hàng về phản ánh. Sau đó Shopee mới biết và gỡ sản phẩm, nhưng đã có 17 bộ bản đồ được bán thành công.

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện tại pháp luật đã có quy định rất cụ thể về hoạt động của các sàn thương mại điện tử. Theo đó, Chính phủ đã có Nghị định 52/2013 quy định về hoạt động thương mại điện tử, trong đó có trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tại Khoản 4, Điều 36 quy định các sàn giao dịch thương mại điện tử có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử được thực hiện chính xác, đầy đủ.

Ngoài ra, Khoản 8, Điều 36 cũng yêu cầu sàn thương mại điện tử có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia khác về thương mại điện tử (đề nghị giấu tên), nhiều sàn thương mại điện tử đang có vẻ không tuân thủ về pháp luật trong hoạt động của mình. Theo đó, Khoản 3, Điều 36 của Nghị định yêu cầu thương nhân, tổ chức, cá nhân là người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin khi đăng ký sử dụng dịch vụ trên sàn.

Nội dung đăng ký gồm tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân. Ngoài ra pháp luật yêu cầu phải cung cấp số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.

Như vậy, một số sàn thương mại điện tử hiện nay không yêu cầu người bán hàng cung cấp đăng ký kinh doanh là sai luật.

Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh quy định của pháp luật chỉ yêu cầu cá nhân cung cấp mã số thuế, có thể khiến nhiều chủ shop online lợi dụng kẽ hở, đăng bán với tư cách cá nhân mà không bị đòi hỏi quá nhiều thủ tục.

Từ nguyên nhân này cũng kéo theo việc kiểm soát hàng hóa bán hàng cũng “thoáng” hơn.

Hằng Vương T/h