"Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Qua lời của một dân chuyên buôn đồng hồ “nhái” tại Hà Nội, hiện nay, thị trường đồng hồ giả được phân làm nhiều cấp bậc thông qua mức độ “copy” như “cấp” replica (giống hơn 90%), tiếp đến là super fake (giống khoảng 90%), fake loại 1 (giống từ 70 – 90%), fake loại 2 (giống 50%) và fake loại 3 là thấp nhất. Trong đó, loại supper fake và fake loại 1 được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh hơn so với những loại còn lại.
Theo ghi nhận của PV, tìm mua một chiếc đồng hồ Rolex, Omega… hàng nhái dễ như đi mua rau với giá cả chỉ từ vài trăm cho đến vài triệu đồng. Trong khi đó, giá nhập vào cho một chiếc đồng hồ này chỉ khoảng hơn 100 ngàn đồng nhưng khi bày bán được “hét” đến vài triệu đồng.
Một số chủ cửa hàng vì lợi nhuận đã bất chấp quy định pháp luật, “bỏ qua” quy định của luật pháp, của cơ quan chức năng.
Tách ra từ chuỗi cửa hàng bán đồng hồ của Civili Store, chủ nhân chuỗi cửa hàng này đã mở một cửa hàng mới, địa chỉ mới nhưng vẫn hoạt động theo phương thức cũ.
Trong vai khách hàng, PV đã liên hệ và tìm đến cửa hàng Titamex watch (số 59 – ngõ Thịnh Quang – quận Đống Đa – Hà Nội) để tìm mua đồng hồ mang thương hiệu tên tuổi.
Các sản phẩm đồng hồ fake được Titamex Watch bày bán công khai
Khi PV gợi ý muốn tìm mua đồng hồ theo nhu cầu, nhân viên cửa hàng đon đả giới thiệu, tư vấn cho PV nhiều mẫu mã đồng hồ mang thương hiệu … Hublot (thương hiệu Thụy Sỹ nổi tiếng thuộc hãng MDM Geneve), ngoài ra còn thương hiệu Patex Philippe, Rolex nếu khách có nhu cầu.
Đáng nói, những chiếc đồng hồ thương hiệu Thuỵ Sỹ trên thị trường có giá niêm yết từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng nhưng tại đây lại có mức giá rất khiêm tốn chỉ… vài triệu đồng.
Không những vậy, nhân viên cửa hàng còn tiết lộ: “Bên em chuyên bán hàng đồng hồ hàng fake cao cấp, fake loại 1 của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Hublot, Omega, Longines… nhưng nhiều nhất là thương hiệu Hublot. Nếu khách hàng muốn hãng khác thì phải hẹn trước”. Đồng thời, nhân viên cũng không quên cam kết về chất lượng của những chiếc đồng hồ này.
Cầm trên tay chiếc đồng hồ nhân viên đưa mang thương hiệu Hublot, khi PV hỏi về nguồn gốc xuất xứ, nhân viên cửa hàng cho biết: “Đây là hàng fake loại 1, giá hơn 4 triệu đồng, còn đồng hồ Hublot chính hãng có giá hơn 100 triệu đồng".
Khi PV bày tỏ lo ngại về chất lượng, nhân viên cửa hàng nhanh nhảu trấn an" “Anh yên tâm, linh kiện bên trong đều là hàng Nhật. Được bảo hành một năm, thay pin, lau dầu… có phiếu bảo hành, hộp đi kèm”.
Khi PV muốn có hoá đơn VAT (hoá đơn đỏ), nhân viên cửa hàng lúng túng cho biết, cửa hàng chỉ có phiếu bảo hành đi kèm và không đưa ra bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc chiếc đồng hồ trên.
Dù luôn miệng khẳng định về chất lượng, linh kiện Nhật nhưng cửa hàng lại không đưa ra bất cứ điều gì chứng minh được về nguồn gốc mà tất cả mọi giao dịch đều chỉ dựa vào lời nói và “niềm tin”. Không ai biết những chiếc đồng hồ được bán tại đây có thực sự được sử dụng linh kiện của Nhật hay được thực chất dùng loại linh kiện kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan để “loè” người tiêu dùng.
Điều đáng nói, dù hoạt động một thời gian dài nhưng đến nay cơ sở Titamex watch vẫn không bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Thậm chí, cơ sở này còn rao bán, quảng cáo công khai bất chấp, “phớt lờ” cơ quan chức năng để kinh doanh đồng hồ giả.
Được biết, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái là vi phạm quy định của pháp luật. Với trường hợp buôn bán đồng hồ “nhái” sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thế nhưng, mức phạt hành chính gần như không làm các chủ cửa hàng bán mặt hàng này lo ngại. Bởi thế mà, nhiều cửa hàng gần như chấp nhận bị phạt để được kinh doanh những sản phẩm siêu lãi này đến tay người tiêu dùng.
Người tiêu dùng "thờ ơ" trước việc dùng hàng giả
Khảo sát của PV cho thấy, nhiều người tiêu dùng, nhất là các bạn trẻ gần như thờ ơ, không quan tâm đến những hiểm họa khôn lường trước việc sử dụng hàng giả.
Bạn N.T.H. (sinh viên trường Thương Mại) cho biết, bản thân chỉ muốn "nổ" với bạn bè rằng trên người mình có những sản phẩm hàng hiệu hưng khi được hỏi về vấn đề nguy cơ tiềm ẩn đến sức khoẻ thì H. lại không hề biết đến điều đó.
Hay như H.V. (nhân viên bán hàng tại Hà Nội) cũng cho biết, chị chỉ nghe nhân viên tư vấn là chiếc đồng hồ chị đang đeo là bản "siêu cấp" gần như thật, chứ chị không hề để ý đến chất liệu của sản phẩm. Chỉ khi đeo được vài hôm trong lúc đi mưa về, tay chị V. bị mẩn ngứa, nổi đỏ thì chị mới biết mình đã bị dị ứng với chiếc đồng hồ "siêu cấp" đó.
Sử dụng đồng hồ giả có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như dị ứng, viêm da
Cũng có nhiều trường hợp khác đã bị dị ứng da khi tiếp xúc với những chiếc đồng hồ kém chất lượng. Với chi phí sản xuất đồng hồ giả cực thấp, thép không gỉ vốn được tất cả các hãng đồng hồ nổi tiếng tin dùng sẽ được thay thế bằng 1 thứ kim loại độc hại - hợp kim kẽm.
Loại hợp kim được sử dụng rộng rãi nhất là hỗn hợp giữa đồng, kẽm, chì và niken. Niken khi gặp mồ hôi tay sẽ nhanh chóng bị oxy hóa và phân hủy, dẫn đến da bị nổi mẩn đỏ, mụn nước. Lâu dài có thể gây viêm da. Nguy hại hơn, hàm lượng chì trong thứ hợp kim này cao đến 1 - 2%. Những chất này lâu ngày sẽ ngấm qua da và tích tụ trong cơ thể, gây tổn hại thần kinh, nhiễm độc gan, viêm thận...
Anh Đ.Đ.N. (nhân viên kinh doanh) cho biết: "Ngày trước mình cũng hay đeo đồng hồ fake nhưng sau khi đọc nhiều tư liệu về chất liệu của chiếc đồng hồ kém chất lượng nguy hại đến sức khoẻ thế nào thì không dùng nữa. Thay vào đó, mình lựa chọn sản phẩm đồng hồ chính hãng mà giá cả vừa phải từ một số thương hiệu đồng hồ uy tín".
Theo Nguyễn Hoàn/Reatimes.vn