THCL Vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng… là thực tế đang diễn ra tại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia.

Địa bàn “nóng”

Nhiều năm nay, các tỉnh thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia luôn là địa bàn trọng điểm về vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Trong đó, “nóng” nhất phải kể đến đường biên giới dài khoảng 340km đi qua tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang và tỉnh Svay Riêng, Prây Veng, Candan, Tà Keo, Cam Pốt… của Campuchia

Tại Long An, hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá ngoại theo băng nhóm, đường dây. Đầu nậu thuê một số đối tượng không có việc làm ổn định mang vác với số lượng nhỏ, đi bằng đường mòn, lối mở, sau đó dùng xuồng máy, xe máy vận chuyển vào nội địa tiêu thụ. Tỉnh An Giang - địa bàn nổi cộm về vận chuyển thuốc lá nhập lậu – luôn tồn tại hàng chục kho chứa thuốc lá lậu áp biên, chỉ chờ kẽ hở “ào” sang nước ta. Ngoài ra, các tỉnh: Kiên Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh…

hoạt động vận chuyển thuốc lá diễn ra bất kể ngày, đêm. Khi lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên tuyến đường bộ, đối tượng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu lại chuyển hướng hoạt động sang tuyến đường sông hoặc trên kênh, rạch.

Được biết, thuốc lá nhập lậu Jet và Hero do Công ty Thương mại thuốc lá Sumatra (Indonesia) sản xuất và xuất khẩu chủ yếu sang Lào, Campuchia, sau đó xuất lậu sang Việt Nam.

Thiếu chế tài mạnh

Theo ông Nguyễn Trọng Tín – Phó Cục trưởng Cục QLTT, mặc dù bị đưa vào danh mục mặt hàng cấm và xử lý vi phạm hình sự nhưng đến nay, tình trạng buôn lậu thuốc lá vào Việt Nam vẫn không giảm. Quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu số lượng từ 1.500 bao trở lên nên đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ khối lượng hoặc giao cho nhiều người vận chuyển. Phương thức tinh vi này gây nhiều khó khăn cho công tác truy quét, phòng chống buôn lậu của cơ quan chức năng và không có cơ sở để xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu. Trong khi đó, mức phạt hành chính cao nên khi bị bắt, các đối tượng thường bỏ hoặc không thừa nhận “hàng“ của mình khiến lực lượng khó xử lý.

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HĐQT Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam - cho biết: Để giải quyết tồn tại này, Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ ban hành 30/9/2014 đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/12/2012 theo hướng quy định giảm số lượng bao thuốc lá nhập lậu làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đến nay sau hơn một năm, chế tài nâng cao mức xử phạt vẫn chưa được thực hiện.

Trong khi chờ Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, Cục QLTT đã chỉ đạo các Chi cục QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn; xây dựng mạng lưới thông tin từ nhân dân để chủ động trong việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

Từ nay đến cuối năm 2015, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra lưu động trên những tuyến đường thường xuyên có hoạt động vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

Theo Báo Công Thương