Ngân hàng Bưu Điện đột ngột công bố giảm chi trả cổ tức xuống còn 10% - Hình 1Đây là thông tin được Ban lãnh đạo ngân hàng Bưu điện (LienVietPostbank) công bố với báo giới sáng 15/8 liên quan đến quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Duy chỉ có 2 chỉ tiêu kinh doanh cơ bản của 2018 được LienVietPostbank giữ nguyên là vốn điều lệ tăng 9.875 tỷ đồng, và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%.

Nguyên nhân việc dù đã gần đi qua hết quý III/ 2018 ngân hàng này mới đột ngột công bố giảm hàng loạt các chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh 2018 theo vị Chủ tịch của LienVietPostbank để: "Điều chỉnh chỉ tiêu tổng tài sản, Huy động vốn và dư nợ thị trường 1 để tương ứng với room tín dụng năm 2018 theo hạn mức của NHNN".

Trong khi đó, dư nợ thị trường dân cư sẽ giảm gần 6.000 tỷ đồng, từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng. Theo Ban lãnh đạo LienVietPostbank Kế hoạch đề ra năm 2018 được xây dựng dựa trên chỉ tiêu 2017, thậm chí mong muốn “room” tín dụng nâng lên 21-22%. Tuy nhiên, Chỉ thị 04 ban hành mới đây của NHNN đã khẳng định sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Đây cũng là một trong các lý do khiến ngân hàng thay đổi một loạt chỉ tiêu Tổng tài sản, Huy động vốn và dư nợ Thị trường 1 để tương ứng với room tín dụng năm 2018 để đáp ứng quy định của NHNN.

Lý giải nguyên nhân chi trả cổ tức giảm từ 12% xuống chỉ còn 10% theo ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch HĐQT: "Tín dụng giảm thì tổng tài sản, huy động vốn cũng giảm theo tương ứng để đáp ứng đúng các yêu cầu của NHNN. Các chỉ tiêu này giảm thì lợi nhuận cũng giảm theo. Cổ tức giảm từ 12% xuống mức 10% là tương ứng với lợi nhuận sau điều chỉnh". 

Ngoài ra, mục tiêu lợi nhuận giảm còn vì LienVietPostBank xác định chiến lược tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới đồng thời tận dụng cơ hội và kịp thời hạn cấp phép của NHNN cũng như mối quan hệ hợp tác với VietnamPost (đặc biệt là mở rộng mạng lưới phòng giao dịch bưu điện, PGDBĐ nâng cấp).

Cũng theo ông Thắng, trong giai đoạn 2017 - 2018, LienVietPostBank xác định chiến lược đầu tư cho cơ sở hạ tầng, ưu tiên phát triển mạng lưới, áp dụng hệ thống ngân hàng số để phục vụ cho tất cả người dân tại các xã/phường, huyện/thị trên toàn quốc, đồng thời tận dụng cơ hội và kịp thời hạn NHNN cấp phép mở PGD. Việc mở rộng mạng lưới sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân sự, quản lý.

"Đối với những đứa con mới sinh ra, phải nuôi cho nó đủ lớn. Các phòng giao dịch mới mở, phải cần thời gian tìm kiếm khách hàng, huy động vốn, hoạt động ổn định phải mất 1 năm.  Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, LienVietPostBank đã mở tới 95 phòng giao dịch, nhiều hơn số lượng PGD đã mở ra trong các năm trước", ông Thắng nhận định.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, LienVietPostBank đã đạt hơn 600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ban Lãnh đạo Ngân hàng quyết định linh hoạt điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2018 để phù hợp với tình hình thực tế và định hướng chiến lược lâu dài của ngân hàng. 

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng: "Chỉ tiêu lợi nhuận có thể giảm trong năm 2018, nhưng với mạng lưới rộng lớn và hạ tầng công nghệ hiện đại, ứng dụng ngân hàng số sẽ là nền tảng để tăng trưởng đột phá từ năm 2020 và về lâu dài sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững".

Bên cạnh đó, LienVietPostBank quyết định đầu tư xây dựng và triển khai dịch vụ Ngân hàng số nhằm bắt kịp xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng 4.0.

Công tác huy động vốn của LienVietPostBank tăng trưởng tốt theo định hướng bán lẻ trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ 2017, với tỷ trọng bán lẻ tăng từ 48 lên 56%. Về mặt tích cực, nguồn vốn trung dài hạn của LienVietPostBank ổn định hơn. Nhưng trong ngắn hạn, chi phí giá vốn tăng cũng là nguyên nhân làm giảm lợi nhuận Ngân hàng trong giai đoạn hiện tại.

Khánh Yên