Vừa qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Đề án “Chính sách thu hút và phát huy nguồn kiều hối trên địa bàn Thành phố”. Tham gia góp ý, có các chuyên gia ngành tài chính thuộc các viện, trường, ngân hàng lớn, các quỹ tài chính trong nước và quốc tế.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế và khoa học công nghệ (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) Nguyễn Hoài Anh, nguồn lực kiều hối đã và đang có vị trí rất quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài. Nguồn kiều hối thường xuyên đạt trên 10 tỷ USD/năm, lên tới 17 tỷ USD/năm 2019.

Ngay sau đại dịch Covid-19, dòng kiều hối đã nhanh chóng tăng trở lại, năm 2022 đạt 18 tỷ USD. Trong thời gian tới, có thể dự báo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phát triển về quy mô, vị thế chính trị, kinh tế, xã hội. Nguồn lực kiều bào còn tiềm năng lớn chưa được khai thác.

Còn theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối gửi về thành phố luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, trong đó, năm 2021 đạt cao nhất với 7,1 tỷ USD, tăng 16% so 2020. Riêng năm 2022, con số tuyệt đối tương đối cao, đat mức 6,6 tỷ USD, chỉ giảm 7% so 2021.

5 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh luôn chiếm tỷ trọng tương đối cao, từ 38% đến 53%, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát biểu tại hội nghị, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Lệnh nhận định, có 4 yếu tố giúp tổng lượng kiều hối của thành phố đạt ở mức cao: Chủ trương chính sách của Đảng luôn duy trì các ưu đãi tốt nhất để thu hút kiều hối; thân nhân nhận kiều hối không phải trả phí thu nhập, không phải đóng thuế; họ có thể nhận bằng tiền đồng hay ngoại tệ; có thể nhận trực tiếp, chuyển khoản hoặc các phương tiện hiện đại, như ví điện tử, Internet Banking…

Bên cạnh đó, thành phố cũng đáp ứng nhu cầu lớn về giao dịch kiều hối của người dân với gần 2.500 điểm phòng giao dịch, chi nhánh, trụ sở của tổ chức tín dụng, cùng 89 đại lý chi trả kiều hối và 16 tổ chức hoạt động chi trả.

Ngoài cơ chế, chính sách thu hút kiều hối của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, vai trò và vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có tác động quan trọng, thu hút nguồn kiều hối chuyển về.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, thành phố cần tiếp tục bám sát định hướng giải pháp lớn, quan trọng là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đây cũng là giải pháp chiến lược, cần được thực hiện thường xuyên. Làm sao có cơ chế để tỷ giá ổn định, tạo thuận lợi an tâm cho người hưởng thụ kiều hối.

Hiện nay, quá trình số hóa đang rút ngắn thời gian giao dịch từ vài ngày xuống chỉ còn vài giây, sự phát triển của fintech khiến nhu cầu chuyển kiều hối cũng khá đa dạng, không chỉ giữa cá nhân với nhau, mà còn giữa cá nhân và doanh nghiệp hay doanh nghiệp - doanh nghiệp...

Để tạo thuận lợi cho việc chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, các ngân hàng thương mại cần đầu tư tốt hơn cho Internet Banking, nhất là về thông tin, giao diện, tiện ích thuận tiện, dễ sử dụng; cần phải giảm chi phí chuyển tiền qua các kênh chính thức, từ đó tăng doanh thu cho ngân hàng thương mại và tăng lượng tiền chuyển về Việt Nam.

Thảo Nguyễn(Th)