NHNN cho biết, tính đến cuối tháng 8/2013, huy động vốn của toàn hệ thống NH tăng 9,5%/năm, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 5,4%. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ, nhiều NH đang bế tắc cho vay, nhưng vẫn tăng lãi suất tiền gửi nhằm huy động thêm vốn.
Thỏa thuận ngầm
Theo quy định, các NH chỉ được huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng với lãi suất không quá 7%/năm. Tại nhiều NH, lãi suất huy động 6 tháng chỉ còn 5 - 6,5 %. Lãi suất thấp, việc huy động tiền gửi của NH cũng sụt giảm theo, trong khi hoạt động tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc kể từ giữa năm khiến nhiều NH quay trở lại huy động vốn vượt trần. Tuy nhiên, việc huy động vượt trần ở các NH không hề công khai trên giấy tờ, mà vẫn tuân thủ các quy định của NHNN.
Chị Bùi Thanh Tâm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do NH chị đang gửi tiền chỉ huy động lãi suất ở mức 6,8%/năm nên chị đã đến làm thủ tục rút tiền để chuyển sang NH khác sẵn sàng trả lãi 8% cho chị. “Thời buổi kinh tế khó khăn, lãi suất tiền gửi xuống thấp nên mức chênh lệch 1% là cả một vấn đề và đương nhiên, tôi chọn nơi nào lãi suất cao hơn để gửi”, chị Tâm chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Đống Đa. Hà Nội) cho hay, tháng trước, chị gửi 1 tỷ đồng, kỳ hạn 1 tháng tại một NHTM. Lãi suất ở NH này quy định trên văn bản là 7%, nhưng được nhân viên tư vấn cộng thêm 1% (hưởng khi đáo hạn). Vậy là chị thực lĩnh lãi suất 8%. Đến đầu tháng 9, chị được nhân viên NH gọi điện thỏa thuận lại với mức lãi suất tăng thêm 0,5% nếu chị tiếp tục gửi tiền tại NH này. Tính ra, lãi thực gửi là 8,5%/năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, có thể động thái này sẽ khiến cho một số NH đang thiếu thanh khoản tranh thủ cơ hội đẩy lãi suất lên cao để hút vốn. Tuy nhiên, nếu các NH nào đẩy lãi suất lên cao để huy động thì không khác gì “tự bắn vào chân mình”.
Khó kiểm soát vượt trần lãi suất
Trao đổi về tình trạng vượt rào lãi suất, lãnh đạo nhiều NH cho rằng, thanh tra NHNN gần như “bó tay” bởi các NHTM đều có chứng từ hợp lệ. Khi nhận được thông tin về vượt trần lãi suất, thanh tra NHNN chỉ có biện pháp duy nhất là gửi công văn cảnh báo.
Một số chuyên gia tài chính nhận định, có thể các NH vượt rào lãi suất đang gặp khó khăn về nguồn vốn, nhưng lại không vay được tiền từ NH bạn để khắc phục tạm thời.
Từ đó, các NH này phải huy động tiền gửi từ dân với lãi suất cao. Ðối với nguồn vốn huy động trên 6 tháng, do lãi suất được thả nổi nên nhiều NH đang mạnh tay tăng lãi suất. Tại NH Việt Nam Thịnh Vượng, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đã lên 8,3%/năm. Ở NH Sài Gòn (SCB), khách hàng lứa tuổi trung niên gửi tiền kỳ hạn 6 tháng được cộng thêm 0,5% lãi suất, tính ra lãi suất tháng đầu tiên được hưởng là 8,8%/năm, đến tháng thứ 2 được cộng thêm 0,12%; tính chung, người gửi tiền được hưởng lãi suất 8,92%/năm.
Lãnh đạo một NH tiết lộ, nhiều NH đang lo ngại thiếu hụt thanh khoản vào những tháng cuối năm. Vì thế, những NH này tranh thủ huy động vốn vào thời điểm này. Một số NH khác cũng lo ngại mất cân đối nguồn vốn vì nhiều tháng trước đã mạnh tay cho vay, nay phải tăng lãi suất huy động. Thậm chí, có NH đang tính đến phương án huy động 10.000 tỷ đồng theo hướng phát hành trái phiếu và các loại giấy tờ có giá, kỳ hạn 2 - 3 năm.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ cho rằng, khi các NH lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV… đều áp mức lãi suất huy động hạ lãi suất kỳ hạn ngắn về 6%/năm, các NH nhỏ nên thôi “xé” rào để tiết kiệm chi phí. Nhưng trên thực tế, tình trạng cạnh tranh lãi suất và vượt trần vẫn đang tồn tại.
Bích Hà