Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Ngành BHXH Việt Nam thực hiện tốt các chính sách, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp

Năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục tổ chức, thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Những kết quả này của Ngành đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, người lao động và doanh nghiệp; đồng thời giúp nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Nhà nước về các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Nhân dịp năm mới 2023, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có những chia sẻ về nội dung này.

Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động; trong nước, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn, tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động có dấu hiệu suy giảm; đồng thời cũng có nhiều thay đổi trong lĩnh vực an sinh xã hội. Trong bối cảnh đó, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?

Năm 2022 là một năm có nhiều biến động, khó khăn với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Về bối cảnh chung, như nhận định của Chính phủ: Tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm mạnh và có dấu hiệu suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi; hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng bị thu hẹp; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường;… ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực an sinh xã hội có nhiều thay đổi về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tác động lớn tới công tác mở rộng diện bao phủ của Ngành như: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất hằng tháng tăng từ 154.000 đồng lên 330.000 đồng từ ngày 01/01/2022, do mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng/tháng theo quy định của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP; Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ đã có khoảng 3,1 triệu người trên toàn quốc không còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Những thay đổi từ các chính sách nêu trên là sự điều chỉnh của Chính phủ dựa trên nền tảng của sự phát triển của kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo sự ổn định, phát triển lâu dài, bền vững của đất nước với kỳ vọng thúc đẩy người dân chủ động, tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (các chính sách an sinh xã hội nhân văn  với người dân) để người dân không quá phụ thuộc vào sự ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thay đổi của các chính sách cũng đã tạo ra một số xáo trộn ban đầu, tác động đến công tác mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2022.

Với quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành động lực hành động, toàn Ngành đã luôn bám sát tình hình thực tiễn, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương để kịp thời đưa ra những giải pháp, chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt; phát huy trí tuệ, sức mạnh tập thể, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, vận động phát triển người tham gia. Do đó, mặc dù trong điều kiện thực hiện hết sức khó khăn nhưng ước đến hết năm 2022, các chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Ngành đều đạt và vượt kế hoạch.

Cụ thể: số người tham gia bảo hiểm xã hội ước đạt 17,5 triệu người, đạt 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt trên 14,3 triệu người, đạt tỷ lệ 31,18% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế ước đạt gần 91,1 triệu người, đạt lệ bao phủ 92,03% dân số, hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Có thể thấy, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng so với năm 2021. Đặc biệt, số người tham gia bảo hiểm y tế không chỉ đảm bảo bao phủ đủ số người tham gia đã bị giảm do thay đổi các chính sách theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg mà còn tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được mở rộng đồng nghĩa với việc lưới an sinh xã hội của Nhà nước ngày càng rộng lớn và có thêm nhiều người dân được thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Những kết quả này có ý nghĩa quan trọng không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022 mà còn tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lộ trình đến năm 2025 theo các Nghị quyết của Đảng. Qua đó, khẳng định quyết tâm chính trị của Ngành trong việc tiếp tục giữ vững và củng cố diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, góp phần xây dựng lưới an sinh xã hội vững chắc cho Nhân dân.

Có thể thấy, chỉ tiêu về phát triển người tham gia của Ngành đạt được trong năm 2022 là rất ấn tượng. Trên các lĩnh vực, nhiệm vụ khác, kết quả đạt được như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?

Xác định rõ quan điểm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", với phương châm hành động "Đoàn kết - Kỷ cương - Trách nhiệm - Sáng tạo - Linh hoạt - Hiệu quả", năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các mục tiêu đề ra.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)… góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và Nhân dân, trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi UBND 63 tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp triển khai một số nội dung như: Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cấp xã; hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự đóng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn…

Theo đó, bảo hiểm xã hội các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội,… tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại địa phương.

Năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường triển khai các dịch vụ công, rút ngắn thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh chi trả các chế độ qua tài khoản ngân hàng,… đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhanh chóng - đúng - đủ - kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động lớn đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, toàn Ngành đã luôn đồng hành, kịp thời nắm bắt khó khăn của người lao động và doanh nghiệp để tích cực, chủ động phối hợp với cấp có thẩm quyền tham mưu, đề xuất thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, đem lại quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Ước trong năm 2022, toàn Ngành đã: giải quyết hơn 95 nghìn hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; đảm bảo chi trả kịp thời, an toàn cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; chi trả hơn 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 1 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (bao gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề)…; 151,4 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú. Ước đến hết ngày 31/12/2022, toàn Ngành đã triển khai hỗ trợ và giảm mức đóng từ các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động và người sử dụng lao động nâng tổng số tiền hỗ trợ đạt trên 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% trên tổng các gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.

Bên cạnh việc chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế cho người tham gia, năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia bảo hiểm y tế theo Luật định.

Nhằm nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, ước đến hết tháng 12/2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị; phát hiện hơn 74.000 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gần 90 tỷ đồng, bằng 160% so với năm 2021.

Kết quả, năm 2022 nhờ các giải pháp quyết liện của Ngành, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là trên 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu. Có thể nói, những chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi số tiền chậm đóng của Ngành đã mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.

Công tác truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh; nội dung, hình thức truyền thông không ngừng được đổi mới, linh hoạt, hấp dẫn, tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội các tỉnh đã triển khai thực hiện được khoảng 45.900 hội nghị truyền thông, tập huấn, tư vấn, đối thoại, khách hàng, gấp 2 lần so với năm 2021; truyền thông nhóm nhỏ trên cả nước có khoảng 139.000 cuộc, gấp khoảng 2,8 lần so với năm 2021... Năm 2022 đã có hơn 14.200 tin, bài, phóng sự…(bình quân mỗi ngày có gần 40 tin, bài) phản ánh chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam được các báo, đài Trung ương đăng tải.

Trong năm vừa qua, lần đầu tiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức thành công Lễ tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2017-2022 với 190 doanh nghiệp được vinh danh, khen thưởng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tiếp tục tổ chức thành công “Chương trình tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn” trên toàn quốc.

Đây là hoạt động tiếp nối truyền thống "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân" của dân tộc ta mà các thế hệ công chức, viên chức, người lao động ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã không ngừng thực hiện trong suốt hơn 27 năm xây dựng và phát triển. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ trong thời gian hơn 01 tháng triển khai, ước đến hết ngày 31/12/2022 đã có hàng ngàn doanh nghiệp, nhà hảo tâm tại 63 tỉnh, thành phố chung tay cùng Ngành trao tặng khoảng 16.000 sổ bảo hiểm xã hội và 120.000 thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 136.000 người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.

Năm 2022 cũng là năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, từng bước khẳng định vị thế, hình ảnh của Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và trách nhiệm của Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA), Hiệp hội An sinh xã hội Quốc tế (ISSA)….

Kết quả Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt được trong năm 2022 là rất toàn diện. Trong các kết quả đó, Tổng Giám đốc đánh giá, đâu là kết quả đột phá, đã và đang mang lại nhiều lợi ích nhất cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp?

Với quan điểm xuyên suốt "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", tất cả các kết quả, nhiệm vụ của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều nhằm mang tới những lợi ích tối ưu, tốt hơn cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách.

Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, chỉ tiêu chủ yếu trong năm, thì công tác Chuyển đổi số của Ngành tiếp tục có những bước tiến vững chắc, đặc biệt là trong việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Công tác này đã và đang mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành, góp phần dần kiến tạo và xây dựng thành công ngành Bảo hiểm xã hội Việt số theo đúng định hướng về Chính phủ số Đảng, Nhà nước ta.

Trong năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; tích hợp, tập trung cấp quốc gia, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao; đáp ứng yêu cầu đảm bảo An sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp toàn diện hơn trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hiện, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành. Ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu của trên 98,7 triệu người dân; kết nối liên thông với gần 13.000  cơ sở khám chữa bệnh; có khoảng trên 620 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc. Hệ thống giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử và Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế hàng năm tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia, đến nay đã thực hiện hơn 500 triệu xác thực và chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành, địa phương; … Đây là những tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên môi trường số; là nền tảng trong việc chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ Big Data, AI nhằm mục tiêu trở thành tổ chức An sinh xã hội hiện đại của Ngành.

Có thể thấy, khi các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội đã được thực hiện trên môi trường số đã giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội; giúp doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;...

Mới đây, tại Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng và đứng đầu trong Khối cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ. Trong xếp hạng Chuyển đổi số, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiều chỉ số chính đạt thứ hạng cao như: Nhân lực số xếp thứ 1; Hoạt động chuyển đổi số xếp hạng thứ 2 và Nhận thức số xếp hạng thứ 3.

Thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06), Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay từ khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Ước đến hết tháng 12/2022, hệ thống đã xác thực trên 71,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ gần 62,3 triệu lượt thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giúp người tham gia bảo hiểm y tế giảm thời gian và thủ tục, giấy tờ khi đi khám chữa bệnh; triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” cơ quan bảo hiểm xã hội, giúp người tham gia, thụ hưởng thực hiện các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện.

Kết quả, ước đến hết tháng 12/2022, cả nước đã có trên 12 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (chiếm 93,8% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc).

Việc tích hợp, triển khai các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích cực, phối hợp triển khai như: Tích hợp các dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”, “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” (từ tháng 7/2022); liên thông và triển khai thí điểm 02 dịch vụ công “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi”, “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng”.

Theo đó, ước đến hết tháng 12/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho gần 50 nghìn trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; hơn 50 nghìn lượt giao dịch gia hạn bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thành công; sau hơn 1 tháng triển khai làm điểm 02 nhóm dịch vụ công liên thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Nam và Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và giải quyết 2.897 hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết hưởng trợ cấp mai táng.

Có thể thấy, với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam với các bộ, ngành giúp chuẩn hóa dữ liệu, vừa phục vụ công tác quản lý vừa phục vụ cho việc cải cách, liên thông thủ tục hành chính góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền - lợi ích của người dân, đơn vị và doanh nghiệp.

Những lợi ích đó tiếp tục là minh chứng cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực bước đầu trong việc triển khai Đề án 06, góp phần phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!

Việt Anh (ghi)

Bài liên quan

Tin mới

Phát hiện người phụ nữ cất giấu hàng trăm gói ni lông có chứa thảo mộc khô (nghi cỏ Mỹ)
Phát hiện người phụ nữ cất giấu hàng trăm gói ni lông có chứa thảo mộc khô (nghi cỏ Mỹ)

Ngày 7/5, Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đang làm việc với nữ nghi phạm bị phát hiện cất giấu hàng trăm túi thảo mộc khô (nghi cỏ Mỹ).

HAGL AGRICO tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024
HAGL AGRICO tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024

Mới đây, tại Trung tâm Hội nghị & Sự kiện thế hệ mới Thiskyhall Sala, TP. HCM, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL AGRICO) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.

Hơn 13.000 học sinh TP. Hồ Chí Minh dự kiến không chọn thi vào lớp 10 công lập
Hơn 13.000 học sinh TP. Hồ Chí Minh dự kiến không chọn thi vào lớp 10 công lập

Dự kiến có khoảng 102.349 học sinh lớp 9 tại TP. Hồ Chí Minh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025. Có khoảng 13.410 học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh.

Bộ Công an khen thưởng Công an tỉnh Nam Định vì thành tích đặc biệt xuất sắc
Bộ Công an khen thưởng Công an tỉnh Nam Định vì thành tích đặc biệt xuất sắc

Vừa qua, Công an tỉnh Nam Định đã tổ chức công bố Thư khen của Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an gửi Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Công an tỉnh Nam Định và các đơn vị có liên quan về thành tích triệt phá nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc chiếm đoạt tài khoản, dữ liệu người dùng trên mạng xã hội.

Doanh nghiệp nào “đội sổ” nợ thuế nghìn tỷ tại Nghệ An?
Doanh nghiệp nào “đội sổ” nợ thuế nghìn tỷ tại Nghệ An?

Cục Thuế tỉnh Nghệ An vừa có thông báo về công khai danh sách người nộp thuế nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước. Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức hiện đang là doanh nghiệp “đội sổ” về nợ thuế với với số tiền thuế và các khoản thu ngân sách lên đến hơn 1.030 tỉ đồng.

Đề xuất thay đổi hàng loạt hạng giấy phép lái xe
Đề xuất thay đổi hàng loạt hạng giấy phép lái xe

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tháng 4, Bộ Công an đề xuất hàng loạt thay đổi về phân hạng giấy phép lái xe.