Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen của nền kinh tế, xong du lịch Vĩnh Phúc đã có bước phát triển ngoạn mục, vượt chỉ tiêu khi ngành du lịch đã đón gần 9,3 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ, trong đó có 81 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Những kết quả ấn tượng đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để du lịch Vĩnh Phúc phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.

Tam Đảo được xác định là huyện trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc
Tam Đảo được xác định là huyện trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc gần với điểm đầu của quốc lộ 18 nối với Quảng Ninh, là cánh cửa mở ra biển để phát triển các ngành kinh tế cũng như dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, Vĩnh Phúc có lợi thế lớn nhờ giáp ranh với Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Ngoài giao thông đường bộ và đường sắt, Vĩnh Phúc là địa phương có hệ thống sông khá dày đặc với hai con sông lớn là sông Hồng và sông Lô, đây là một thế mạnh có thể phát triển các tour du lịch hấp dẫn với việc xây dựng các bến thuyền du lịch ở những địa điểm thích hợp.

Vĩnh Phúc có tới hơn 1.300 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 514 di tích được xếp hạng các cấp, 3 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Tây Thiên, Di tích quốc gia đặc biệt kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt đình Thổ Tang.

Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là một thế mạnh lớn của Vĩnh Phúc. Trong đó, Tam Đảo được xác định là huyện trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc với nhiều tiềm năng với hơn 120 di tích lịch sử văn hóa bao gồm đình, đền, chùa, miếu, di tích cách mạng và các công trình tôn giáo khác. Đặc biệt, năm 2022, thị trấn Tam Đảo còn được World Travel Awards, tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về du lịch vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi để Tam Đảo thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch, đưa du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

Ngành du lịch Vĩnh Phúc được xác định phát triển theo 3 hướng chính nhằm phát huy những thuận lợi về mặt tự nhiên và nhân văn của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo.

Nhờ biết cách khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, ưu tiên nguồn lực đầu tư và thu hút được nhiều dự án lớn, những năm qua, du lịch, dịch vụ của Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội chuyển dịch đúng hướng.

Thiên Trường (t/h)