Tăng cường kiểm tra tại các điểm nóng về xe quá tải

Với đặc thù có nhiều tuyến quốc lộ như Quốc lộ 1A, 12A,49B với phương tiện lưu thông khá đông nên vấn đề xe quá tải, cơi nới thùng hàng khi lưu thông đang là bài toán đối với ngành giao thông vận tải (GTVT) của tỉnh Quảng Bình.

Tuyến Quốc lộ 12A là nơi có nhiều điểm khai thác khoáng sản, đây được xe là điểm nóng của tình trạng xe quá tải “cày” nát đường. Để giảm thiểu tình trạng trên lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) luôn túc trực để giám sát các phương tiện qua lại.

Tại tuyền đường này, TTGT tỉnh Quảng Bình đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tại Km8 + 200 thuộc địa bàn xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch thực hiện công tác kiểm tra tải trọng xe 2 ca mỗi ngày (16 tiếng) và 7 ngày trong tuần. Đồng thời bố trí Tổ Thanh tra chuyên ngành hoạt động trên địa bàn các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn sẵn sàng phối hợp với Trạm trong công tác kiểm tra tải trọng xe. Nhờ đó mà phương tiện quá tải hoạt động trên tuyến quốc lộ 12A đã giảm đáng kể.

Để giải quyết tận gốc tình trạng xe quá tải, ngoài việc đặt các trạm cân lưu động, TTGT tỉnh Quảng Bình còn tiến hành giám sát chặt các phương tiện giao thông ngay tại các điểm mỏ, nhà máy xi măng. Buộc các phương tiện phải hạ tải nếu như muốn vận chuyển hàng hóa.

Trong năm 2017,  qua kiểm tra, lực lượng TTGT đã phát hiện, lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 405 trường hợp xe chở quá tải và cơi nới thùng hàng vứi  số tiền xử phạt nộp vào Kho bạc Nhà nước hơn 1.165 triệu đồng. Trong đó, công tác kiểm tra tải trọng xe tại Trạm kiểm tra lưu động và sử dụng cân xách tay đã phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 332 trường hợp, nộp vào Kho bạc Nhà nước hơn 1.055 triệu đồng.

Theo Thông tư số 06/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT về quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã giải quyết được vấn đề của lực lượng TTGT. Bởi lẽ, khi gặp lực lượng TTGT tuần tra trên đường đã có không ít các tài xế cho xe lao nhanh qua khỏi vị trí tuần tra hoặc vị trí đặt trạm cân nhằm bỏ chạy. Sau khi sử dụng những hình ảnh từ thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lực lượng Thanh tra đã dễ dàng giám sát hơn.

Trong năm 2017, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp, nộp vào Kho bạc Nhà nước hơn 80 triệu đồng từ việc áp dụng biện pháp trên.

Ngành giao thông – vận tải tỉnh Quảng Bình “tuyên chiến” với nạn xe quá tải - Hình 1

TTGT tỉnh Quảng Bình kiểm tra một xe tải 

Nhờ việc ap dụng đồng bộ các biện pháp, tình trạng xe quá tải tại tỉnhQuảng Bình đã giảm đi qua các năm. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ xe vi phạm là 4,54% (518 xe vi phạm trên tổng số 11.421 xe kiểm tra); Năm 2016, tỷ lệ xe vi phạm đã giảm xuống còn 3,58% (411 xe vi phạm trên tổng số 11.463 xe kiểm tra),

Năm 2017, tỷ lệ xe vi phạm đã giảm xuống còn 1,34% (26  xe vi phạm trên tổng số 1938 xe kiểm tra). Các phương tiện còn vi phạm hiện nay chủ yếu sự chủ quan của các lái xe và mức quá tải thấp, dưới 20%, rất ít phương tiện vi phạm quá tải lớn. 

Dẹp “nạn” xe quá tải: Chuyện không phải chỉ riêng của TTGT

Tuy công việc nhiều khi phải đảm nhận nhiệm vụ trên nhiều tuyến đường nhưng thực tế hiện nay cho thấy, lực lượng TTGT vẫn “đơn độc” trong việc kiểm soát tình trạng xe quá tải và cơi nới thùng hàng.

Hiện tại, toàn bộ ngành TTGT tỉnh Quảng Bình chỉ có18 biên chế trong khi địa bàn hoạt động rộng và dàn trải trên nhiều lĩnh vực như kiểm soát tải trọng xe, kiểm tra phương tiện vận tải hành khách, hành lang ATGT đường bộ, đường thủy nội địa, công tác đăng kiểm, công tác sát hạch, đào tạo cấp giấy phép lái xe, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác pháp chế...

Đặc biệt, số lượng đầu mối bốc xếp hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay tương đối nhiều: 5 bến cảng, 5 nhà máy xi măng, 36 mỏ cát, sạn, vật liệu xây dựng; 51 bến tập kết cát sạn lòng sông; 30 bến đò khách ngang sông dàn trải trên địa bàn toàn tỉnh và nhiều bến bãi tập kết vật liệu tự phát luôn tìm cách trốn tránh việc kiểm tra của lực lượng chức năng thì với 18 biên chế của Thanh tra Sở GTVT khó có thể kiểm soát hết được.

Ngành giao thông – vận tải tỉnh Quảng Bình “tuyên chiến” với nạn xe quá tải - Hình 2

Cần có sự phối hợp giữ lực lượng TTGT và CSGT trong công tác chống xe quá tải

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, chủ xe, lái xe vì lợi nhuận tìm nhiều cách trốn tránh, thiếu hợp tác trong quá trình kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Việc xử lý các phương tiện và lái xe vi phạm có hành vi chống đối gặp khó khăn do không có lực lượng chức năng hỗ trợ kịp thời, nhất là Cảnh sát giao thông, công an các địa phương.

Sau khi kết thúc Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA giữa Bộ GTVT và Bộ Công an; Quy chế số 5425/QC-LN giữa Tổng cục Đường bộ và Tổng cục Cảnh sát dẫn đến công tác phối hợp giữa các lực lượng gặp nhiều khó khăn.

Theo như nội dung của Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA, thì ngành giao thông sẽ không còn phối hợp với lực lượng CSGT trong việc kiểm soát, tuần tra, giám sát đối với các phương tiện lưu thông trên đường. Trong khi nhân sự của lực lượng TTGT vẫn đang còn ít thì việc không còn hợp tác với CSGT vô hình chung đã đem lại nhiều khó khăn, trong khi CSGT là lực lượng chính trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường.

Trong thời gian tới, để công tác kiểm soát tải trọng xe có hiệu quả hơn, ngành giao thông tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Chính phủ và Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 06/01/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình.

Lực lượng thanh tra Sở GTVT tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về tải trọng tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực cảng, bến, mỏ vật liệu, kho hàng, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô. Bên cạnh đó, các lực lượng phải tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác để đạt hiệu quả cao, chấm dứt tình trạng xe quá tải trên địa bàn tỉnh.

Xuân Hữu