Theo bà Đỗ Thị Thu Hương - chuyên gia Văn phòng Ban IV cho biết, ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những thành tích ấn tượng. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 2 con số đã giúp cho ngành đứng trong top 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, ngành gỗ mang lại thặng dư xuất khẩu đứng thứ 3 trong những năm gần đây, đóng góp nguồn ngoại tệ quan trọng cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Cải thiện năng suất lao động ngành chế biến gỗ, hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa, nguồn internet
Cải thiện năng suất lao động ngành chế biến gỗ, hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong đó, đồ nội thất gỗ và các bộ phận là mặt hàng đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 50% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành với tốc độ tăng trưởng kép bình quân (CAGR) 11,6%/năm.

Đây là kết quả từ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất nói riêng, của tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất nói chung, cũng như hiệu quả tác động của các chính sách của Chính phủ.

Trong cuộc họp, ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Trưởng nhóm nghiên cứu cũng đánh giá rất cao sự phát triển ấn tượng của ngành gỗ trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Ngành gỗ là một trong những ngành ít được sự quan tâm của nhà nước. Sự lớn mạnh của ngành gỗ ở cả thị trường quốc tế và nội địa không dựa vào đầu tư công, mà hoàn toàn do doanh nghiệp quyết định. Tuy nhiên, trong nội tại của ngành vẫn còn những cản trở, những yếu kém và cần nhận diện rõ những điều này để có giải pháp khắc phục hoàn thiện.

Ở góc độ hiệp hội, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Viforest cho biết, sắp tới hiệp hội sẽ thành lập một công ty tổ chức sự kiện, mỗi năm tổ chức 3-4 hội chợ các sản phẩm đồ gỗ, nội thất theo thế mạnh của từng vùng miền. Trong đó, tại Bình Định sẽ tổ chức một hội chợ về đồ gỗ sân vườn và ngoài trời, tại khu vực miền Đông Nam bộ tổ chức 2 hội chợ và một hội chợ tại khu vực phía Bắc.

Vì vậy, để ngành gỗ phát triển nhanh, bền vững cần nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chú trọng phát triển thị trường trong nước. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi, liên kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo. Đặc biệt chú trọng phát triển trồng rừng, tạo nguồn cung nguyên liệu chủ động, xây dựng mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững…

Lê Pháp (T/h)