THCL Do những chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam đã thất bại trong 20 năm qua, cộng với việc Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nên hàng loạt chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp ô tô phải bãi bỏ, theo ý kiến của Bộ Tài chính.

Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ngày càng còn rất ít các ưu đãi

Bộ Tài chính đã gửi góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Bộ Công Thương chù trì soạn thảo.

Tại bản góp ý mới đây của Bộ Tài chính về dự thảo quyết định, bộ đã bác bỏ hàng loạt ưu đãi đề xuất trong dự thảo liên quan đến ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô. Một phần là các chính sách ưu đãi về thuế nếu tiếp tục được áp dụng sẽ làm giảm thu ngân sách đáng kể, trong khi các nguồn thu ngân sách ngày càng trở nên hạn hẹp.

Hơn nữa, việc Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới sẽ không cho phép các hình thức bảo hộ cho hàng hóa sản xuất, nhập khẩu.

Song lý do quan trọng hơn cả là các chính sách ưu đãi cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đã được thực hiện liên tục trong gần 20 năm qua nhưng đã có tác dụng ngược lại, ngành sản xuất ô tô không phát triển được và tình trạng ỷ lại bảo hộ của Chính phủ mỗi ngày một gia tăng.

Bộ Tài chính không đồng ý với điều kiện các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô và dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; chỉ có các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm và dự án thuộc danh mục các ngành công nghiệp hỗ trợ mới được vay loại vốn này.

Bộ Tài chính cũng không đồng ý với điều kiện không đánh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Tuy nhiên, đối với điều kiện này, Bộ Tài chính gợi ý cho Bộ Công Thương và Hiệp hội các nhà sản xuất-lắp ráp ô tô báo cáo Thủ tướng về phương án đẩy nhanh thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt về 0% theo hướng cứ 6 tháng rà soát điều chỉnh một lần, khi trong nước sản xuất được sẽ điều chỉnh lên cho phù hợp. Tuy nhiên, có những hiệp định thương mại song phương không cho phép tăng trở lại mức thuế đã cắt giảm thì Bộ Công Thương phải xem xét và dự báo, tránh sai sót.

Bộ Tài chính đồng thời cũng không đồng tình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các dự án sản xuất, lắp ráp xe ô tô, trừ các dự án đầu tư vào địa bàn vùng sâu - vùng xa được hưởng ưu đãi do đầu tư vào địa bàn đó. Mức độ ưu đãi tùy từng đối tượng và địa bàn cụ thể.

Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính cũng giữ nguyên quan điểm nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng phân chia thành các nhóm nhỏ hơn, đánh thuế cao đối với các dòng xe sang, kích thước lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu do chưa phù hợp với giao thông và thu nhập người dân.

Theo Kinh tế Sài Gòn