THCL Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tiếp nhận 83.436 đơn các loại và xử lý được 74.817 đơn. Thực tế đó cho thấy, số lượng đơn tồn đọng khá lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của DN.

Thiếu nhân lực

Cục SHTT cho biết, lượng đơn, đặc biệt là đơn sáng chế, đăng ký nhãn hiệu gia tăng mạnh trong những năm gần đây (năm 2014, Cục SHTT đã tiếp nhận 4.447 đơn sáng chế, 33.064 đơn nhãn hiệu quốc gia, 6.025 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam…).

Cục đã tiến hành các biện pháp đồng bộ để bảo đảm chất lượng và nâng cao tốc độ xử lý đơn đăng ký SHCN (giải quyết những bất cập về công nghệ thông tin, tăng cường lực lượng cán bộ, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho thẩm định viên, vận hành tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đã được cấp Giấy chứng nhận và các yếu tố cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác,…) nhằm giảm thiểu lượng đơn tồn đọng.

Tuy nhiên, kế hoạch bổ sung cán bộ xử lý không theo kịp với nhu cầu thực tế do cơ chế quản lý cán bộ liên quan đến biên chế, xét tuyển biên chế. Mặt khác, mặc dù, Cục có cơ chế tự chủ về mặt tài chính, nhưng cơ chế này cũng có nhiều giới hạn khác nhau và khả năng tự chủ trong vấn đề tuyển dụng quá khó…

Ông Trần Lê Hồng, Trưởng phòng Thông tin Cục SHTT cho biết, Cục đang tổng hợp lại nhu cầu trên cơ sở đó, đặt ra kế hoạch tuyển dụng mới. Năm 2015, Cục dự kiến tuyển 70 cán bộ mới với hy vọng dần giải phóng được lượng đơn tồn đọng. Kỳ vọng là thế, nhưng để giải quyết một cách triệt để không phải chuyện dễ bởi lượng đơn này được tích cóp qua nhiều năm. Đơn cử, để giải quyết hết lượng đơn sáng chế, với số lượng cán bộ, nếu không nhận thêm đơn thì cũng phải đến năm 2020, Cục mới giải quyết hết. Đây không phải là tình trạng riêng của Việt Nam, mà của hầu hết các nước trên thế giới.

Nhằm giải quyết tồn tại này, thế giới đã đưa ra rất nhiều sáng kiến, ví dụ hợp tác giữa các nước, cụ thể như một nước đã thẩm định đơn rồi nước khác có thể lấy kết quả đó. Nhưng đối với Việt Nam, phải chuẩn bị rất nhiều, một trong những khó khăn lớn nhất đó là ngôn ngữ. Chúng ta vẫn sử dụng tiếng Việt là chủ yếu, trong khi nhiều nước trên thế giới sử dụng tiếng Anh, nhất là giao dịch trên máy.

Yếu từ khâu đào tạo

Đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tuyển được nhân lực đã khó, việc đào tạo nhân lực để có thể đáp ứng nhu cầu công việc còn khó hơn nhiều. Bởi theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo (Cục SHTT), hiện tại, ở Việt Nam không có cơ sở giáo dục nào đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn (thẩm định và xử lý đơn trong lĩnh vực SHTT). Nhân lực nếu có qua đào tạo ở nước ngoài thì cũng chỉ là những khóa ngắn hạn, khó đạt đến trình độ chuyên nghiệp và bài bản.

“Các trường đại học luật hiện nay, chủ yếu đào tạo về khía cạnh pháp lý. Các trường đại học kinh tế thì nói đến phát triển thương hiệu lồng trong các khóa đào tạo quảng cáo, marketing. Đặc thù của ngành SHTT liên quan đến vấn đề thẩm định đơn, chẳng hạn thẩm định đơn sáng chế thì cần các giải pháp kỹ thuật, sau đó cần cấp bằng sáng chế…, việc xử lý các đơn đó lại không có trường đại học nào đào tạo. Vì vậy, cán bộ khi được nhận vào Cục SHTT, phải qua một thời gian đào tạo mới làm được việc, bằng cách thế hệ trước đào tạo cho thế hệ sau. Ngoài ra, Cục cũng phát triển nguồn nhân lực dựa trên việc liên kết với nguồn lực quốc tế (có thể được đào tạo qua mạng rồi thực hiện công việc thực tế, sau thời gian nhất định báo cáo kết quả qua mạng rồi mới ra nước ngoài kiểm tra thực tế), song việc này cũng không phải dễ”, ông Bảy chia sẻ.

Khắc phục những tồn tại, Cục SHTT đã phối hợp với các cơ quan thực thi quyền SHTT trong công tác đào tạo cán bộ, thường xuyên tham gia tập huấn cho các cán bộ trong hệ thống thực thi. Chỉ tính riêng năm 2014, Cục SHTT đã phối hợp và tập huấn 19 khóa cho cán bộ của hải quan, quản lý thị trường, thanh tra... Bên cạnh đó, Cục SHTT tích cực tham gia các hội nghị về thực thi quyền SHTT, điển hình như Hội nghị quốc tế Interpol về chống buôn lậu và hàng giả tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2014, do Bộ Công an tổ chức.

Hà Thu