Theo đó, lượng sản xuất thép tháng 4 đã đạt 850.000 tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước 4 tháng đầu năm đạt 3,21 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tiêu thụ tháng 4 đạt 830.000 tấn; tính chung 4 tháng đầu năm đạt 3,07 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. Giá cả tiêu thụ trong tháng 4 tương đối ổn định, kể cả ở khu vực miền Bắc và miền Nam. Không những tiêu thụ tốt trong nước, lượng xuất khẩu (XK) của ngành thép cũng đang rất khả quan. Chỉ sau 3 tháng đầu năm, kim ngạch XK thép đã vượt mốc 1 tỷ USD và đang có xu hướng tăng cao.

Ngành thép tăng trưởng mạnh - Hình 1

Theo hiệp hội thép phân tích, giá nguyên liệu thế giới lúc tăng lúc giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả ngành thép vì nhiều nguyên liệu chính ta dùng sản xuất thép như thép vụn, quặng sắt, than cốc, than điện cực đều phải nhập khẩu. Tuy nhiên, điểm đáng mừng là ta đang chủ động một phần nguyên liệu, giúp lượng thép nhập khẩu dần giảm, giúp ta bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.

Cụ thể, Nhà máy Fomosa Hà Tĩnh đang sản xuất khoảng 250.000 tấn thép cán nóng/tháng, giúp giảm áp lực nhập khẩu cho doanh nghiệp (DN). Nhờ đó, tháng 4, lượng thép nhập khẩu chỉ vào khoảng 1,16 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước 4 tháng, cả nước nhập khẩu 4,27 triệu tấn, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thời gian tới, ngành thép sẻ chịu nhiều áp lực do tình hình bảo hộ thương mại đang diễn ra ngày càng nhiều trên thế giới. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đều khởi xướng điều tra, áp dụng thuế bảo hộ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước nên gây nhiều khó khăn cho DN XK. Trong khi đó, thị trường trong nước lại hứa hẹn nhiều triển vọng vì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và hoạt động đầu tư được chú ý triển khai ngay từ đầu năm.

Theo dự báo, năm 2018, toàn ngành thép sẽ tăng trưởng sản xuất khoảng 20-22% so với năm 2017. Trong đó, thép xây dựng tăng 10%, thép cuộn cán nóng 154%, thép lá cuộc cán nguội 5%, thép ống hàn 15%, tôn mạ vàng và sơn phủ màu 12%.

Mộc Anh