Các chính sách chưa thu hút được nhà đầu tư ngoại

Một thống kê cho thấy, giai đoạn 2020-2030, các công ty dược phẩm y học sẽ đầu tư hàng tỷ USD để nghiên cứu và triển khai các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, dù đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi nhưng việc thu hút FDI vào ngành dược vẫn chưa đạt kỳ vọng. Có 2 kỳ vọng vị Thứ trưởng nhắc đến, thứ nhất, phát triển ngành dược theo hướng phát triển sản phẩm dược mới, thuốc biệt dược và thuốc phát minh. Thứ hai, nhận chuyển giao công nghệ trong sản xuất dược.

“Gần đây, một số tập đoàn dược lớn có ý tưởng phát triển khu công nghiệp chuyên biệt. Đây là một ý tưởng tốt vì nếu các cụm công nghiệp, khu công nghiệp dược phẩm được hình thành sẽ thu hút đầu tư vào ngành và đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất dược phẩm khu vực”, bà Ngọc cho biết.

Chia sẻ một thực tế là hơn 1 năm trở lại đây, Việt Nam vắng bóng doanh nghiệp đầu tư vào ngành dược, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết lý do là các tập đoàn, doanh nghiệp dược lớn là tập đoàn đa quốc gia, là đối tượng của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Do vậy họ còn đang “nghe ngóng” phản ứng chính sách của Việt Nam trước khi đầu tư.

Ngoài ra, một nguyên nhân cơ bản vẫn là do năng lực doanh nghiệp nội địa còn yếu. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp trong nước. Nhưng tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn nhà nước thì quy trình hợp tác rất phức tạp; doanh nghiệp tư nhân thì quản trị còn yếu, vẫn theo lối quản trị gia đình, thiếu minh bạch.

“Các doanh nghiệp cổ phần hoá trong ngành dược cũng vẫn điều hành, quản trị bởi những con người cũ, tư duy cũ và quy trình cũ”, ông Sử nói.

Ngành y dược vẫn chưa thực sự thu hút được vốn đầu tư ngoại vì nhiều khó khăn trong cơ chế pháp lý. (Ảnh minh họa)
Ngành y dược vẫn chưa thực sự thu hút vốn đầu tư ngoại vì nhiều khó khăn trong cơ chế pháp lý (Ảnh minh họa)

Tìm cách tháo gỡ nút thắt cơ chế

Báo cáo mới đây của KPMG cho biết, năm 2021, dược phẩm phát minh ước tính đóng góp 1,16 tỷ USD vào GDP của Việt Nam. Trong đó 350 triệu USD giá trị tạo ra trực tiếp, 410 triệu USD giá trị gián tiếp từ giao dịch giữa các doanh nghiệp (chi tiêu cho nguyên liệu thô, hậu cần, bán hàng và tiếp thị), khoảng 400 triệu USD đến từ chi tiêu của người lao động trong ngành. Dự báo tốc độ tăng trưởng hằng năm của ngành dược phẩm phát minh Việt Nam lên đến 10% trong thời gian tới.

Theo ông Emin Turan, Chủ tịch Pharma Group, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ngành y tế là một trong những ngành xương sống của các quốc gia. Vì vậy, trách nhiệm phát triển ngành y theo kinh nghiệm quốc tế không chỉ giới hạn ở Bộ Y tế mà cần sự chung tay từ tất cả các bên, đặc biệt hợp tác công – tư với Chính phủ giữ vai trò điều phối.

Nghị quyết 29/NQ-TW đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sinh học trở thành ngành mũi nhọn. Ông Emin Turan khuyến nghị Nghị quyết cần xây dựng mục tiêu cụ thể như rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc của người dân, có cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Việc phát triển ngành y cần dựa trên nền tảng khoa học, đổi mới sáng tạo sẽ giúp nâng cao năng lực của Việt Nam.

Theo GS.TS Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng chưa đủ. Ví dụ thời gian từ lúc lập dự án tới khi đầu tư có khi kéo dài tới 5 năm. Đây là một thời gian rất dài với các doanh nghiệp nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp trong nước muốn đầu tư công nghệ dược phẩm nhưng chưa có chương trình ưu đãi cho vay.

Y dược là một lĩnh vực cần vốn rất lớn để đầu tư nghiên cứu vì đây là lĩnh vực cần trình độ cao, nhưng lại rất rủi ro. Chỉ có 1 trong 10.000 nghiên cứu có khả năng thành công. Nghiên cứu thành công là một chuyện, thương mại hóa được hay không lại là chuyện khác. Một nghiên cứu thành công cũng chỉ có tỷ lệ thương mại hóa khoảng 30%.

Để khích lệ doanh nghiệp đầu tư vào ngành dược, ông Nam cho rằng cần có ưu đãi thuế như miễn thuế 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Bộ Y tế cũng cần có các danh mục phân định rõ thuốc công nghệ cao. Việc này san sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp và khuyến khích các công ty phát triển, nghiên cứu.

Hồng Nhung(T/h)