11h, Bộ Chính trị điện cho các đồng chí Phạm Hùng (Bảy Cường), Lê Ðức Thọ (Anh Sáu), Văn Tiến Dũng (Anh Tuấn), chỉ thị: "Tình hình biến chuyển nhanh, cần tranh thủ thời gian hành động khẩn trương. Vì vậy, anh Tuấn nên vào sớm gặp anh Bảy Cường ở Trung ương Cục để bàn ngay kế hoạch đánh chiếm Sài Gòn".

Ở Bình Ðịnh, 5h15 ngày 31/3, trận công kích toàn diện của ta vào toàn bộ tuyến phòng thủ của địch ở đây cùng lúc diễn ra. Trung đoàn 12 và Trung đoàn 141, Sư đoàn 3 đánh cụm quân địch. Trung đoàn 95A đánh vào Phú Phong. Sư đoàn 968 tiếp tục tiến công địch ở núi Trà Lam Sơn. Một mũi của Sư đoàn 968 thọc sâu đánh chiếm và giải phóng thị xã Ðập Ðá, cắt đường số 1. Vốn đã hoang mang dao động, quân địch tháo chạy hỗn độn. Thừa thắng tới 13h ngày 31/3, quân và dân Bình Ðịnh phối hợp tiến công thị xã Quy Nhơn.
Tại Phú Yên, ngày 31/3, được dân quân du kích dẫn dường, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 tiến công cứ điểm Hòn Một; Tiểu đoàn 8 đánh chiếm đoạn đường 1 từ Phú Khê đến cầu ván Hòa Xuân. Cùng lúc đó ở bắc Phú Yên, dân quân du kích và bộ đội địa phương đánh chiếm cầu Ngân Sơn, cắt quốc lộ 1 ở phía nam Tuy An, không cho địch dồn rút về thị xã, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tiến công Tuy Hòa. Cùng ngày, Trung đoàn 48 và Trung đoàn 9 khẩn trương triển khai lực lượng tiến công địch ở thị xã Tuy Hòa.
Tại Bình Long, 5h ngày 31/3, Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) nổ súng tiến công chi khu Chơn Thành. Ðược sự chi viện của pháo binh, bộ binh ta tiến lên phá hàng rào. Ðến 10h, Tiểu đoàn 7 và hai xe tăng ta chiếm được chốt bảo an. Ðến 14h, địch điều Chiến đoàn 315 từ Bầu Bàng lên chi viện cho Chơn Thành. Sư đoàn 9 nhận được lệnh chuyển sang đánh địch chi viện.

Sáng 31/3, Trung đoàn 812 (Quân khu 6) có xe tăng yểm trợ đánh tan cuộc phản kích của địch ở Chi khu Di Linh. Trong khi đó, ở Tuyên Ðức, đêm 31/3, địch bỏ thành phố Ðà Lạt chạy về Phan Rang, phá sập cầu Ðại Ninh trên đường 20 để làm chậm bước tiến của bộ đội chủ lực ta lên Ðà Lạt.
Tại Khánh Hòa, để nhanh chóng đập tan "lá chắn" đèo Phượng Hoàng, sáng sớm ngày 31/3, Sư đoàn 10 tập trung sức mạnh của các đơn vị xe tăng, pháo binh, cao xạ tiến công Lữ đoàn dù ở cầu 24, cách trung tâm huấn luyện Lam Sơn 3km, tiêu diệt và làm tan rã 600 tên. Số sống sót phần bị du kích và đồng bào địa phương uy hiếp, số còn lại chạy dạt qua quốc lộ 1 về Hòn Khói.
Ngay trong đêm 31/3, lữ đoàn dù số 3 của địch hoàn toàn bị tan rã. Trong khi đó, tại Ninh Hòa, chiều 31/3, đội vũ trang công tác xã Ninh Diêm đã huy động quần chúng nổi dậy giải phóng xã tiếp đó phát triển cùng với lực lượng quần chúng chiếm lĩnh và giải phóng toàn bộ khu vực Hòn Khói. Trong đêm 31/3, biết không thể giữ nổi Nha Trang, công chức và sĩ quan tại đây tự động di tản, lính ở trường hạ sĩ quan Ðồng Ðế cũng tháo chạy trong đêm.

Ðến cuối tháng 3/1975, trên địa bàn miền Ðông Nam Bộ, ta đã mở được một vùng giải phóng rộng lớn kề cạnh Sài Gòn, kéo dài từ bắc Tây Ninh, qua Lộc Ninh, Dầu Tiếng, Chơn Thành; từ Mỏ Vẹt đến La Ngà qua Hoài Ðức, Tánh Linh; từ đường số 1 đến nam đường số 2, Bà Rịa.
Qua gần một tháng tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền nam, ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân khu-quân đoàn mạnh của địch, thu và phá hủy nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật của chúng, giải phóng các tỉnh đồng bằng miền trung và Tây Nguyên và nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long, Ðông Nam Bộ, hình thành thế hợp vây Sài Gòn-Gia Ðịnh từ nhiều hướng.
Theo báo Nhân dân