Chính sách ERPA không chỉ mang lại lợi ích về tài chính cho các chủ rừng mà còn tạo động lực mạnh mẽ trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Chính sách ERPA không chỉ mang lại lợi ích về tài chính cho các chủ rừng mà còn tạo động lực mạnh mẽ trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 332 cộng đồng dân cư là chủ rừng và 457 cộng đồng khác tham gia quản lý rừng cùng các tổ chức chủ rừng, hưởng lợi từ nguồn ERPA. Trong tổng số 133,8 tỷ đồng kế hoạch chi trả, đến nay 26 chủ rừng tổ chức đã nhận 115,8 tỷ đồng, chiếm 87% tổng kinh phí nhóm đối tượng này và 67% tổng kinh phí chi trả trên toàn tỉnh.

Riêng các cộng đồng rừng thuộc quản lý của Vườn Quốc gia Pù Mát, tính đến tháng 2/2025, tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ERPA năm 2024 là hơn 24 tỷ đồng, trong đó đã chi trả 13 tỷ đồng.

Việc chi trả nguồn kinh phí ERPA đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng dân cư, giúp ổn định thu nhập và nâng cao đời sống người dân vùng thụ hưởng. Nguồn lực này không chỉ hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng mà còn giúp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa người dân với các tổ chức chủ rừng.

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký kết vào ngày 20/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), đại diện Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF). Theo đó, Việt Nam cam kết chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO₂ và có thể bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO₂ tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 - 2025, với tổng giá trị 51,5 triệu USD.

Ngày 28/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính của Thỏa thuận ERPA. Tại Nghệ An, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND vào ngày 22/4/2022 để triển khai thực hiện thỏa thuận này.

Chính sách ERPA không chỉ mang lại lợi ích về tài chính cho các chủ rừng mà còn tạo động lực mạnh mẽ trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, đồng thời đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Lê Quyết