Xử lý hơn 1.400 vụ vi phạm nửa đầu năm 2025
Theo báo cáo từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An, trong 5 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 1.426 vụ vi phạm hành chính, khởi tố hình sự một số vụ án với tổng cộng 228 đối tượng. Tổng số tiền thu phạt vượt 174 tỷ đồng. Trong đợt cao điểm từ ngày 15 đến 29/5 theo Kế hoạch số 389/KH-UBND, toàn tỉnh xử lý 202 vụ việc, khởi tố 4 vụ với 5 đối tượng, thu phạt hơn 3 tỷ đồng.
Mới đây, vào ngày 27/5/2025 Công an tỉnh Nghệ An đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giữ 4 đối tượng trong một đường dây chuyên buôn bán hàng giả quy mô lớn, với số lượng sản phẩm lên đến gần nửa triệu sản phẩm. Trong đó, có hơn 400.000 gói dầu gội đầu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Clear, Xmen, Dove, Sunsilk, Romano, Pamolive, Rejoice, Head & Shoulders; 6.000 gói nước xả vải Comfort; gần 1.300 tuýp kem đánh răng Sensodyne, Close up; và 63.520 chiếc bút viết các loại. Tổng trị giá lô hàng theo mặt hàng tương đương lên đến hơn 523 triệu đồng.
Đặc biệt, một chuyên án sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất cấm đã được triệt phá, xử lý hơn 3.500 tấn giá đỗ chứa chất 6-Benzylaminopurine – một hóa chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng vi phạm như: Thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả mạo nhãn hiệu, nội tạng động vật, bột ngọt giả... cũng đã bị tiêu hủy với tổng giá trị xử phạt gần 800 triệu đồng. Những kết quả này là minh chứng cho sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng như: Công an tỉnh, Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng, Sở Y tế, Sở Công Thương...
Để đấu tranh có hiệu quả, không có vùng cấm trong cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái mới đây, vào ngày 23/4/2025, BND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1140/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh – còn gọi là Ban Chỉ đạo 389. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh có chức năng tham mưu xây dựng các chiến lược, kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong từng giai đoạn; chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện ở các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ phối hợp các lực lượng chức năng trong phát hiện, đấu tranh và xử lý các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quy mô lớn, có tổ chức. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có thể thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại những địa bàn trọng điểm; triển khai hợp tác quốc tế về phòng, chống buôn lậu; đề xuất khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp tiếp tay hoặc dung túng cho hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2025 cho thấy sự quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái phát.
Ra tay quyết liệt, không có ngoại lệ
Mới đây, vào chiều 6/6, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục duy trì tinh thần “làm nghiêm, làm thường xuyên, làm quyết liệt” trong công tác đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, không khoan nhượng với bất cứ ai, không có ngoại lệ. Việc xử lý cần tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thuốc chữa bệnh, sữa, thực phẩm bẩn...
Các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn trong công tác quản lý, nhất là khi sắp tới sẽ triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Trong khi đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, đặc biệt là trên không gian mạng – nơi mà việc kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều vướng mắc.
Một số giải pháp được đề xuất là yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh tuyên truyền về hiểm họa của thực phẩm bẩn, hàng giả; tăng cường kiểm tra đột xuất và công khai kết quả kiểm tra để nâng cao tính răn đe.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Thành Vinh khẳng định: “Tình hình buôn lậu, hàng giả đang diễn biến ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin xã hội. Cuộc chiến này không thể lơi lỏng”. Ông nhấn mạnh đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, không phải chỉ của ngành công an hay quản lý thị trường.
Ông Vinh cũng biểu dương các đơn vị đã chủ động vào cuộc, phát hiện nhiều vụ việc lớn, điển hình như vụ sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất cấm và loạt vụ vi phạm về thực phẩm, hàng giả. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng cần xác lập thêm nhiều chuyên án trọng điểm, đấu tranh hiệu quả với các đường dây buôn lậu, đặc biệt là buôn bán ma túy, hàng giả số lượng lớn. Công tác thanh tra, kiểm tra cần được thực hiện nghiêm túc, tránh hình thức. Phải thực hiện đúng phương châm "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức tiếp tay, bao che cho các hành vi vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra các mặt hàng nhạy cảm như thuốc, thực phẩm chức năng; tham mưu xây dựng Chỉ thị mới về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đồng thời chuẩn bị triển khai Ban Chỉ đạo 389 cấp xã sau khi tổ chức bộ máy chính quyền hai cấp được kiện toàn. Cùng với đó, tỉnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, khuyến khích tố giác hành vi vi phạm; công khai thông tin các vụ việc, các bản án nghiêm khắc để giáo dục, răn đe.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự đồng hành của người dân, tỉnh sẽ từng bước ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tại Nghệ An vẫn còn nhiều thách thức, nhất là khi thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và lan rộng trên cả không gian mạng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh cùng tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chức năng, Nghệ An đang từng bước khẳng định thông điệp “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật thương mại.
Để tạo sức mạnh tổng hợp, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, từ đó xây dựng một thị trường minh bạch, lành mạnh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.
Lê Quyết