Hành trình “di cư ngược”
Để vào được đến nơi bản Chà Coong (cũ), PV báo Thương hiệu & Công luận bắt đầu từ bến đò thượng lưu (thuộc Bản Xàn, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An) đi ngược về phía nhà máy thủy điện Bản Vẽ bằng đường thủy. Trên chuyến đò, thỉnh thoảng lại bắt gặp những ngôi nhà, lán trại tạm bợ, nằm sát 2 bên mép hồ, quá nữa trong số đó đã “ngủ yên”, số còn lại vẫn còn nhuốm màu khói bếp.
Từ trung tâm vào bản Chà Coong (cũ) phải vượt hơn 20km đường mặt hồ mới tới nơi
Lênh đênh trên đò, vượt gần 20km đường thủy trên lòng hồ, chúng tôi mới đến bản Chà Coong (cũ), nay thuộc xã Hữu Khuông là một trong những điểm sinh sống của người dân “di cư ngược” từ khu TĐC ở huyện Thanh Chương trở về. Qua khảo sát, khu vực này hiện có 4 hộ dân sinh sống gồm: Hộ dân Lương Khắc Phùng; Lương Văn Núi; Lương Văn Xuân và Lô Văn Khiêm. Những hộ dân này trải qua cuộc hành trình trở về quê cũ, chịu nhiều thiệt thòi như: Không có hộ khẩu, không có tạm trú dẫn đến không được hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh, trẻ em sinh ra không được khai sinh, không được đến trường và nhiều quyền lợi khác.
Đứng trước ngôi nhà sàn 3 gian với tường làm bằng gỗ, mặt sàn lát thân nứa, mái lợp lá cọ, câu chuyện hành trình tìm về đất cũ qua lời kể của Ông Lương Khắc Phùng (SN 1965): “Trước đây, lúc chưa có dự án xây dựng thủy điện Bản Vẽ, bản Chà Coong (cũ) có tới 130 hộ dân sinh sống, quây quần bên nhau. Sau đó, thực hiện chủ trương của Nhà nước, nhiều hộ gia đình theo diện di dời khu tái định cư tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Về nơi ở mới, điều kiện sống trong những ngày đầu tại khu TĐC gặp nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, không quen với tập quán sinh hoạt nên nhiều hộ đã quay trở lại lòng hồ sinh sống. Hơn nữa, gia đình tôi cùng 3 hộ dân thuộc Bản Chà Coong chưa được đền bù thỏa đáng nên vẫn quyết tâm ở lại, bám trụ trên mảnh đất ông cha khai hoang từ bao đời nay”.
Nhiều hộ dân quay trở lại lòng hồ cư trú bất hợp pháp khiến cho cuộc sống họ gặp rất nhiều khó khăn
Nhận thông tin từ ông Phùng, chúng tôi liền thắc mắc, đưa ra câu hỏi: “Tại sao lại thiếu đất sản xuất, khi mà Nhà nước lên phương án di dời các hộ dân thì bài toán về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất,… đã được giải”. Đáp lại câu hỏi của PV, ông Phùng chia sẻ: “Đúng là chúng tôi được cấp mỗi hộ một mảnh đất lâm nghiệp chừng hơn 1ha, nhưng chừng đó là chưa đủ để tồn tại, phát triển. Hơn nữa, các hộ đến ở trước đã lập rào, vây thép gai chiếm dụng luôn phần diện tích đó nên thành ra chúng tôi tay trắng”.
Ông Phùng trải lòng thêm: “Khu vực này bây giờ đã sáp nhập vào một địa phương khác. Từ năm 2009 đến nay, chúng tôi đã không được sự quản lý của địa phương, không được hưởng mọi quyền lợi, đứa cháu nội Lương Hoàng Minh (SN 2014) tại bản, đến nay vẫn chưa được khai sinh, không được đến trường học chữ, những lúc đau ốm, đến các cở sở y tế thăm khám, chữa bệnh nhưng không có thẻ bảo hiểm. Biết là bất cập, thiệt thòi đủ thứ, nhưng gia đình cũng phải bám vùng đất này sinh sống, chứ nơi ở mới, gia đình không có việc gì làm”.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho người dân
Với người dân lòng hồ Bản vẽ, với tư duy canh tác vốn dựa nhiều vào tự nhiên, nay lại không được thừa nhận, những hộ dân “di cư ngược” đã gặp muôn vàn khó khăn, bế tắc, cuộc sống không điện, đường, trường, trạm....
Ông Phùng và anh Đức là 2 trong 4 hộ dân trong chuyến hành trình tìm về quê cũ
Anh Lương Văn Đức (con ông Lương Văn Núi) cho biết: “Năm 2012, em gái út là Lương Thị Bảo Yến (SN1995), bước vào cánh cổng đại học nhưng gia đình không có hộ khẩu nên phải xin cho em gái nhập khẩu nơi khác để có đủ giấy tờ, điều kiện nhập học. Cuộc sống của những hộ dân sinh sống tự do trong lòng hồ, chủ yếu dựa vào rừng, làm nương rẫy tự phát, đánh bắt cá... không thông tin liên lạc giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ”..
Anh Đức chia sẻ thêm: “Hy vọng chính quyền các cấp nhìn thấy những khó khăn, thiếu thốn đó, để rồi cho chúng tôi sát nhập vào một bản bất kỳ thuộc xã Hữu Khuông để chúng tôi được hưởng quyền lợi đồng thời làm tròn nghĩa vụ của một người công dân”?.
Trao đổi với PV Thương hiệu & Công luận, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Cơ bản các hộ dân đi gần hết rồi, còn một số hộ ở lại, các chế độ của những hộ dân cơ bản họ đã nhận rồi, việc những hộ dân không đi, chúng tôi cũng đã tuyên tuyền mãi nhưng họ vẫn không đi. Điều kiện những hộ dân ở lại thiếu thốn, vất vả là đúng, được tái định cư ở Thanh Chương nhưng họ cố tình ở lại, vùng đó là vùng phải di chuyển chứ không thể ở lại để nhập khẩu được”.
"Nếu những hộ dân đó nhập khẩu thì đồng nghĩa với tái định cư tại chỗ, nếu làm như thế thì bao nhiêu hộ dân khác cũng muốn ở lại, nếu nhập khẩu cho những hộ dân đó là làm trái với quy định”, ông Hải cho biết thêm.
Hoàng Linh