Tham dự sự kiện có: Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; Đại diện Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ; ông Lê Thế Bảo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội VATAP; ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP; các đồng chí lãnh đạo Hiệp hội, Hội…
Hàng năm, nhân dịp Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), Hiệp hội VATAP đều tổ chức Lễ kỷ niệm trang trọng và ý nghĩa, với mục đích góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị thương hiệu Việt, để doanh nghiệp, người tiêu dùng và mỗi chúng ta nhận thức sâu sắc hơn vai trò của mình trong việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển đất nước.
Ngày Thương hiệu Việt Nam được Chính phủ chọn vào ngày 20/4 hằng năm cũng nhằm mục đích để xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng và có khả năng cạnh tranh cao, tạo được uy tín đối với thị trường trong và ngoài nước.
Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, xây dựng thương hiệu hàng hóa và dịch vụ chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mô hình phát triển thương hiệu Việt đã được kế thừa những giá trị vốn có với sự đổi mới tư duy trong bối cảnh của cạnh tranh và những xu hướng mới như: Cấu trúc sản phẩm và thương hiệu; hệ thống nhận diện mới; chiến lược sản phẩm và thương hiệu chủ lực; chiến lược mở rộng thị trường và nghiên cứu sản phẩm mới…Nhờ có định hướng cụ thể, rõ ràng và đầu tư bài bản, nhiều thương hiệu Việt đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và chiếm trọn niềm tin của khách hàng trong và ngoài nước.
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp Việt đã và đang chú trọng xây dựng mô hình quản trị với chiến lược xây dựng thương hiệu làm nòng cốt, tiếp tục phát huy thế mạnh; không ngừng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử trong việc quản trị doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ và là xu thế tất yếu trên phạm vi toàn cầu; hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần chú trọng hơn cho xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm, mà còn là cam kết về phát triển bền vững để vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh.
“Khi xây dựng một thương hiệu mạnh, không chỉ đơn thuần là truyền tải thông tin sản phẩm và dịch vụ, mà thương hiệu có thể tạo sự kết nối đặc biệt với khách hàng; là cầu nối giúp truyền tải thông điệp của mình tới khách hàng và thương hiệu phải thu hút và hấp dẫn để chạm tới khách hàng. Các doanh nhân, doanh nghiệp hãy xây dựng thương hiệu của mình độc đáo theo cách riêng có; tập trung vào giá trị cốt lõi là những yếu tố và tầm nhìn sâu xa của thương hiệu. Đây là giá trị không thể thay đổi và thường được thể hiện qua cách thức thương hiệu hoạt động và tương tác với khách hàng”, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội VATAP, các doanh nghiệp và doanh nhân nêu cao giá trị của thương hiệu cần được thể hiện qua hành động và sự liên tục trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh. Giá trị thương hiệu không chỉ dựa vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn phải đáp ứng được xu hướng xanh, tính đổi mới và bền vững.
Có thể thấy, các doanh nghiệp đã thành công trong xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững đã khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển; đóng góp quan trọng vào việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thương hiệu mạnh trong khu vực và thế giới.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Đỗ Hồng Trung đánh giá cao vai trò, nhiệm vụ hoạt động của Hiệp hội VATAP thời gian qua. Hiệp hội thường xuyên quan tâm, định kỳ tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày này.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng, hiệp hội, ngành hàng, sau 17 năm, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có nhiều sản phẩm, hàng hóa gắn với thương hiệu Việt - khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hằng năm, Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4) là dịp để vinh danh các thương hiệu Việt; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu; đồng thời khơi dậy nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, góp phần tích cực vào việc nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Ông Đỗ Hồng Trung cho biết, có những doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, có dòng đời sản phẩm tốt, doanh thu, lợi nhuận cao nhưng lại vi phạm pháp luật; điển hình trong thời gian qua cơ quan chức năng đã phải xử lý sai phạm tại một số doanh nghiệp, có những vụ việc phải xử lý hình sự đối với một số đối tượng lợi dụng vào phương tiện bán hàng theo phương thức thương mại điện tử, lợi dụng sự nổi tiếng của một số KOL, KOC trên mạng xã hội để kinh doanh sản phẩm không đúng với các quy định của pháp luật, lừa dối người tiêu dùng gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ thương hiệu trên môi trường số, ông Đỗ Hồng Trung đề nghị các doanh nghiệp: Trong thời gian tới tiếp tục tận dụng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các bộ ngành về cơ chế chính sách trong phát triển thương hiệu, phát triển kinh tế xã hội chủ động huy động nguồn nội lực của doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp mình một cách hiệu quả và bền vững (các chính sách tín dụng); phát huy tối đa hiệu quả hạ tầng phương tiện công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, các phương thức thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh thương mại và xây dựng thương hiệu cũng như nhân hiệu (ứng dụng); ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong quản lý doanh nghiệp, trong sản xuất để tiết giảm chi phí nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng phân loại (đối mặt với hàng giá rẻ từ các nước láng giềng).
Nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, sản xuất sản phẩm, xây dựng doanh nghiệp theo tôn chỉ đạo đức và pháp lý, đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm, tuyệt đối nói không với lừa dối người tiêu dùng, nói không với hàng giả hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT, đồng thời thường xuyên chia sẻ thông tin đến các lực lượng chức năng thực thi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mọi lúc mọi nơi, mọi hình thức hướng tới mục tiêu bền vững trong quá trình phát triển…
Tại Chương trình, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Chi hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tại TP. Cần Thơ (số 2A Trần Phú, phường Cái Khế, Ninh Kiều, TP. Cần Thơ).
Thông qua Chương trình, Ban Tổ chức cũng lựa chọn và khen thưởng, khích lệ những doanh nghiệp đã tích cực trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu; đồng thời ghi nhận, biểu dương những thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong cả nước, nhằm khuyến khích và cung cấp thông tin đến người tiêu dùng biết và lựa chọn.
Hoàng Bách - Vũ Lê