Diễn biến phức tạp

Tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng giả chủ yếu là mỳ chính, bột giặt, dầu gội đầu, nước mắm, dầu nhờn, một số loại bánh kẹo chất lượng thấp… Đặc biệt là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng một số mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) đang trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người tiêu dùng và môi trường sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An: Tăng cường đấu tranh chống hàng giả - Hình 1

Nghệ An tăng cường công tác kiểm đều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất knh doanh hàng gả, hàng kém chất lượng 

Từ đầu năm đến nay, Cục quản lý thị trường ( CQLTT ) tỉnh Nghệ An đã kiểm tra hơn 4.364 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, xử lý hơn 3.269 vụ vi phạm; thu phạt và tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trên 12 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm về nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hết hạn sử dụng...

Những tháng cuối năm, dự báo tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm SHTT và gian lận thương mại, VSATTP trên địa bàn sẽ có nhiều diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Thắng – Cục phó Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Từ nay cho đến cuối năm, Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra toàn diện trên địa bàn tỉnh hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người dân mua bán hàng hóa trong dịp cuối năm.

CQLTT Nghệ An đề ra các giải pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được giao quản lý; tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các mặt hàng điện tử, điện lạnh, phân bón, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát, hàng vi phạm VSATTP... để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Cần sự chung tay

Công tác chống hàng giả không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Theo Cục quản lý thị trường Nghệ An, ngoài sự đấu tranh chống hàng, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Đơn vị cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng trên địa bàn. Bên cạnh đó cần sự phối hợp công tác và trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng với nhau phải chặt chẽ, đồng bộ.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của bản thân và xã hội.

Như vậy, để chống hàng giả, hàng nhái, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì các doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội và cũng là cách doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu.

Mạnh Hùng