Trên địa bàn toàn tỉnh đang còn hơn 6.000 phòng học bán kiên cố và gần 1.200 phòng tranh tre, tạm mượn. Trong đó bậc mầm non có 706 phòng, bậc tiểu học 393 phòng, THCS còn 131 phòng và bậc THPT còn 90 phòng học tạm. Hầu hết các phòng học này đều nằm ở những địa phương cực kỳ khó khăn thuộc các huyện miền núi, giao thông cách trở.

Nghệ An: Ưu tiên xóa bỏ phòng học tranh tre, tạm mượn - Hình 1

Một điểm trường ở huyện Kỳ Sơn - Nghệ An

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đang còn ít nhất 120 trường thuộc diện đặc biệt khó khăn cần phải xây dựng. Các hạng mục như phòng hành chính, phòng học đa chức năng... nhiều trường vẫn chưa được triển khai do thiếu nguồn kinh phí.

Từ năm 2018-2020, tỉnh Nghệ An ưu tiên xóa phòng học tạm, mượn; xây dựng cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đảm bảo điều kiện phục vụ dạy, học và nhu cầu sinh hoạt cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú. Cùng với việc xây dựng bổ sung các phòng học để do tăng quy mô phát triển, thay thế phòng học cấp 4 đã xuống cấp và xây mới xóa phòng tranh tre, tạm mượn… tỉnh Nghệ An cần khoảng 15.000 tỉ đồng để thực hiện.

Dự kiến, từ nay đến năm 2025, trên tất cả các bậc học sẽ có hơn 4.000 phòng học được xây mới để xóa phòng cấp 4 và phòng tạm, mượn và khoảng 2.000 phòng học mới, các phòng chức năng khác.

Ngoài việc tích cực vận động, thu hút các nguồn kinh phí đầu tư từ các chương trình, dự án; tranh thủ tối đa các nguồn viện trợ và các nguồn hợp pháp khác, huy động xã hội hóa giáo dục…, tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Trung ương phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để thực hiện mục tiêu xóa phòng học tạm, mượn trên địa bàn.

Mộc Anh