Lẽ thường, trong hoặc sau những ngày mưa bão kéo dài, một số loại thực phẩm mới có dịp tăng giá. Nhưng hơn một tuần nay, dù thời tiết đã nắng ấm, song giá rau xanh trên địa bàn Thủ đô vẫn tăng cao đến bất ngờ và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Rau tại các chợ tăng bất thường

Giá rau xanh tăng đột biến

Khảo sát tại một số khu vực ở Hà Nội như chợ Thụy Khuê, chợ Bưởi, chợ Xuân Đỉnh, chợ Dịch Vọng, chợ Hôm, chợ Diễn, chợ Nhổn..., giá các loại thực phẩm như thịt, cá vẫn bình thường, trong khi giá một số mặt hàng rau, củ hiện tại đang ở mức rất cao, trung bình tăng gấp 1 - 2 lần, cá biệt có loại tăng gấp 3 lần so với ngày thường.

Cụ thể, bí xanh tăng từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; cà chua từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; đậu xanh 15.000 lên 30.0000 đồng/kg; cà rốt từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; mướp 10.000 đồng lên 25.000 đồng/kg; cần tây từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng/kg… Bên cạnh đó, các loại rau sống cũng tăng cao. Xà lách 80.000 đồng/kg (tăng 30.000 đồng); hành lá 40.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng); rau mùi 50.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng)… Một số tiểu thương chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết: “Gần đây, các loại rau, củ đều tăng giá. Cá biệt, một số loại tăng giá rất mạnh. Trong thời gian tới, giá vẫn ở mức cao”.

Vẫn như những lần tăng giá trước đây, lý do giá đắt đỏ không có gì mới, nguyên nhân do thời tiết mưa kéo dài khiến rau úng ngập. Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam, thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn năm ngoái, mưa nắng thất thường là nguyên nhân rau xanh chưa thể ổn định. Tuy nhiên, giá rau không đến mức đắt đỏ như rau ngoài chợ. “Nếu thời tiết thuận lợi, giá rau muống thời điểm này chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng của thời tiết, giá rau tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Rau muống bán tại chợ đầu mối chỉ 8.000 đồng/kg. Chính người bán hàng lợi dụng rau khan hiếm đẩy giá lên cao”, ông Tùng khẳng định.

Nông dân và người tiêu dùng chịu thiệt

Giá rau tăng cao tới 200 - 300%, cứ nghĩ là niềm vui lớn đối với người nông dân sản xuất. Nhưng khi tìm về những địa phương có truyền thống thâm canh và có nhiều diện tích rau màu như huyện Vũ Thư (Thái Bình), các xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Dương Nội, huyện Đông Anh (Hà Nội)… tìm hiểu mới biết, bà con đang ngao ngán vì lỗ dài và sản xuất vất vả gấp mấy lần so với trước.

Theo các hộ trồng rau tại xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) thì từ cuối tuần trước, giá cả của hầu hết các loại rau bán tại chân ruộng đều giảm mạnh. Hiện giá cải ngọt là 10.000 đồng/kg, rau cải chít, xà lách cũng chỉ ở mức 12.000 đồng/kg, hành lá thì khoảng 20.000 đồng/kg…

Tình hình cũng không khác đối với các hộ trồng bắp cải ở huyện Mê Linh (Hà Nội), hiện giá bán sản phẩm tại ruộng chỉ còn 7.000 đồng/kg. Tỉnh Bắc Giang, một trong những vựa rau của miền Bắc, chuyên cung cấp rau xanh cho Hà Nội cũng lâm cảnh tương tự.

Ông Đặng Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết, dù giá rau xanh trên địa bàn xã đã tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 8 (su hào 15.000 đồng/kg, bắp cải 12.000 đồng/kg, cà chua bi 6.000 đồng/kg…), song người dân cũng không có lợi nhuận cao do thời tiết năm nay diễn biến bất thường, năng suất thấp; trong khi giá các loại vật tư, giống má đều tăng...

Lý giải điều này, TS. Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn Chính sách và chiến lược (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - Ipsard) cho biết: Chúng tôi đã tiến hành điều tra về từng kênh, từng sản phẩm, chế biến hay không chế biến. Tuy nhiên, thông thường khâu trung gian ăn ít hơn bán lẻ, nhưng họ lại giao luôn cho bán lẻ và thường ăn về số lượng.

Theo ông Nguyễn Hữu Đô, thôn Hạ, xã Tây Tựu, nếu mỗi mớ rau khi đến tay người tiêu dùng vẫn tiếp tục phải trải qua nhiều khâu trung gian như hiện nay thì việc giá bị đẩy lên cao gấp 2 - 3 lần so với giá người sản xuất bán ra cũng là điều dễ hiểu. Và trong câu chuyện này, cả người tiêu dùng và nông dân đều là những người phải chịu thiệt thòi.

Hoan Nguyễn