Trong 11 tháng năm 2016, xuất khẩu ở một số nhóm ngành của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có mức đà  tăng khá mạnh. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường vẫn luôn là điều đáng lo ngại, nhất là khi tính ổn định của thị trường Trung Quốc không cao.

Càng tăng trưởng mạnh càng dễ bất an

Chúng ta đã có quá nhiều bài học từ việc xuất khẩu sang thị trường trung quốc mà chủ yếu là các mặt hàng về nông nghiệp, để tránh tình trạng các tiểu thương bị ép giá, cần có một hướng đi đúng, không nên phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường.

Lấy một ví dụ cụ thể, thủy sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu rất mạnh sang thị trường Trung Quốc trong năm 2016. Theo số liệu thống kê mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam trong tháng 11 đạt 678 triệu USD, giảm 6,4% so với tháng trước. Tính chung, trong 11 tháng năm 2016, xuất khẩu nhóm hàng này đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7%. Trong đó, hàng thủy sản của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ trong 11 tháng qua đạt 1,33 tỷ USD, tăng 11%; sang Nhật Bản đạt 992 triệu USD, tăng 5%; sang Trung Quốc đạt 611 triệu USD, tăng 52,4% so cùng kỳ năm 2015.

Có thể thấy, mức tăng tại thị trường Trung Quốc rất lớn, đặc biệt cá tra xuất sang thị trường này tăng gần 100% so với năm 2015. Bộ NN&PTNT mới đây đã đưa ra một báo cáo về tình hình xuất khẩu cá tra. Tính đến ngày 15/11, cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 140 thị trường, tăng 4 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,5 tỷ USD. Dự kiến, cả năm 2016 xuất khẩu cá tra đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Riêng với thị trường Trung Quốc-Hồng Công, dự kiến năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt 305 triệu USD, tăng 90% so với năm 2015, đây cũng là thị trường có mức tăng trưởng lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Nghịch lý xuất khẩu sang Trung Quốc: Càng tăng càng lo - Hình 1

Cần thận trọng khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc 

Nông sản cũng tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với kim ngạch trong 11 tháng qua đạt 2,81 tỷ USD, tăng 50% so cùng kỳ năm trước. Trong các mặt hàng nông sản, rau và trái cây đang nổi lên như một mặt hàng có thành tích xuất khẩu tốt trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, trái cây Việt Nam đã vào được nhiều thị trường khó tính. Trong những tháng cuối năm, đã có thêm măng cụt và vải được nhập vào thị trường Hoa Kỳ và Australia.

Riêng trong tháng 11, giá trị xuất khẩu rau và trái cây đạt 186 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây trong 11 tháng năm 2016 lên mức 2,178 tỷ USD. Dự kiến hết năm 2016, kim ngạch xuất khâu trái cây sẽ đạt mức 2,5-2,6 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cho các loại rau và trái cây Việt Nam, chiếm 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam, kế đó là Hàn Quốc (chiếm 3,6%), Hoa Kỳ (3,4%) và Nhật Bản (3,1%).

Một trong những lý do khiến Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều mặt hàng từ Việt Nam, đó là thị trường này khá dễ tính và có nhu cầu lớn. Chỉ tính riêng trái thanh long, nếu xuất đi Hoa Kỳ phải chiếu xạ hay sang Nhật Bản, Hàn Quốc phải xử lý hơi nước nóng, việc này sẽ làm chi phí tăng cao, đó là chưa kể đến những yêu cầu khắt khe trong quá trình trồng của người nông dân. Nhưng sang Trung Quốc lại không cần phải mất nhiều thời gian, tiền bạc như vậy. Song cái gì cũng có 2 mặt của nó. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng lại kèm theo những lo lắng, bất an.

 

Nhiều bài học

Việc cá tra hay rau, trái cây Việt Nam quá phụ thuộc vào một thị trường đã là điều không nên, bởi chỉ một biến động nhỏ của thị trường nhập khẩu cũng có thể ảnh hưởng lớn đến mặt hàng xuất khẩu, nhất là với thị trường Trung Quốc vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tại Hội nghị tổng kết tiêu thụ cá tra năm 2016, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Định hướng xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2017 vẫn chiếm khoảng 20% toàn ngành, nhưng chúng ta cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao, cung cấp vào nhà hàng, thay vì tập trung vào sản lượng".

Còn nhớ hồi tháng 9, chính VASEP đã phải ra thông báo khuyến cáo các hộ nuôi và DN nên thận trọng khi đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Bởi đã xảy ra tình trạng nhiều thương lái, DN Trung Quốc đặt hàng và thu mua cá tra cỡ lớn (loại trên 1kg/con), sau đó đột ngột giảm mua khiến giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh.

Bên cạnh đó, theo các DN, thị trường Trung Quốc thường có rủi ro về thanh toán do chữ tín không được tôn trọng. Ngoài ra, các DN cho rằng cần cẩn trọng với thủ đoạn gian lận chất lượng. Tiêu biểu như việc hợp đồng ghi mạ băng 20%, nhưng thương lái đề nghị tăng lên 25% để ăn chia phần gian lận. Do bao bì vẫn ghi mạ băng 20% nên DN Việt sẽ bất lợi khi xảy ra tranh chấp.

Trái cây và rau của Việt Nam đã có rất nhiều bài học đắng từ việc thương lái Trung Quốc không thu mua, nên dù được mùa, mất giá. Hồi tháng 6 vừa qua, sầu riêng của các tỉnh miền Tây như Tiền Giang được mùa nhưng giá bán lại giảm mạnh do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua. Hay như trái thanh long đã bao lần khốn đốn vì thương lái Trung Quốc. Trong một buổi trao đổi với báo giới, giám đốc một DN xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đã phải thừa nhận thị trường Trung Quốc ai cũng thấy rủi ro nhưng vẫn phải xuất khẩu, vì chưa đủ năng lực xuất qua các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…

Biết rủi ro nhưng vẫn phải xuất khẩu, xuất khẩu rồi lại gặp rủi ro, dường như đang trở thành bài toán luẩn quẩn, rất khó tìm câu trả lời. Tự thân DN và nông dân lại càng không thể tìm kiếm lời giải cho mình. Câu chuyện liên kết 4 nhà phải được quan tâm hơn bao giờ hết, để dù có xuất sang thị trường Trung Quốc, nhưng không phải chịu cảnh tăng trong âu lo.

Hà Long