Cử tri tỉnh Khánh Hòa phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước về việc thời gian qua, khi người dân đi vay vốn ở các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại vẫn bị "cưỡng ép" phải mua các loại bảo hiểm như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… mới được giải ngân khoản vay.
“Để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Xử lý nghiêm những hành vi trên để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay” - cử tri tỉnh Khánh Hòa nêu.
Trả lời cử tri, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, khoản 5 Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nghiêm cấm hành vi “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng nghiêm cấm “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Những quy định này được đưa ra trong bối cảnh vài năm trở lại đây, tình trạng các ngân hàng, nhân viên ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ kèm các khoản vay ngày càng nhiều. Nhiều người dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng cho biết, trên hình thức là nhân viên ngân hàng chào mời, tư vấn nhưng thực tế lại ngầm hiểu là “phải mua bảo hiểm mới được giải ngân”.
Do đó, với việc luật hóa quy định cấm ngân hàng, người quản lý, người điều hành, nhân viên ngân hàng gắn việc bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được kỳ vọng có thể khắc phục hiệu quả tình trạng bán “bia kèm lạc” gây nhức nhối trong thời gian qua.
Luật mới cũng quy định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ được quyết định phạm vi hoạt động về đại lý bảo hiểm của ngân hàng để phù hợp với tính chất và hoạt động ngành ngân hàng. Tức là các ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân vẫn được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm và phù hợp với phạm vi hoạt động theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng có những động thái mạnh mẽ như lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính). Đồng thời ban hành những quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm và tăng cường biện pháp xử phạt.
Nhiều năm qua, hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng trở thành mảnh đất màu mỡ, mang về doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm. Thường mức chiết khấu trong năm đầu tiên của hợp đồng bảo hiểm rất cao, tới 25%, thậm chí 40% tùy theo công ty bảo hiểm chi trả.
Trong giai đoạn 2018-2022, thu nhập từ việc làm đại lý bảo hiểm nhân thọ đã giúp không ít ngân hàng thương mại lãi lớn. Do vậy, bán bảo hiểm cũng là một trong những chỉ tiêu kinh doanh mà các nhân viên ngân hàng phải hoàn thành với tỷ lệ lũy tiến, năm sau cao hơn năm trước.
Áp lực này được trao lại cho khách hàng khi họ buộc phải chấp nhận mua bảo hiểm như một khoản phụ phí để được vay vốn của ngân hàng. Điều này làm méo mó niềm tin của khách hàng đối với ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Thiên Trường