Tính đến cuối năm 2021, cả nước có trên 830 cơ quan báo chí thuộc bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Các cơ quan báo chí luôn thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của Nhân dân, là kênh thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội.
Báo chí lúc mới ra đời chỉ có báo in. Thế nhưng, sau báo in, người ta nghiên cứu ra công nghệ phát thanh, từ đó có báo radio, báo phát thanh. Sau đó hiện đại hơn nữa còn có cả hình.
Cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 bắt đầu có internet ở Việt Nam và nhiều nước khác thì internet trở nên phổ biến và cung cấp thêm một loại hình báo chí mới tiếp theo, đó là báo chí trực tuyến. Điều này tiếp tục tạo nên một cơn ‘đại địa chấn’ nữa đối với mọi người. Sự xuất hiện của cái gọi là hình thái MXH mới gần đây cũng là một trong những cuộc chuyển mình như thế về mặt công nghệ và tác động đến làng báo.
So với năm 1986 - thời điểm đất nước ta bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo hiện nay tăng gần 5 lần. Báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, với hơn 45.000 lao động làm việc tại các cơ quan báo chí. Trong đó hơn 20.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên ngày càng trẻ hóa, được đào tạo cơ bản.
Rõ ràng, thực tế của đời sống báo chí trong thời đại công nghệ số đã mở ra rất nhiều cơ hội mới cho người làm báo. Ở đó, những sản phẩm báo chí được độc giả biết đến với nhiều mới mẻ, sáng tạo về hình thức thể hiện, phong phú, đa dạng về nội dung. Khác với những bài báo mang tính truyền thống chỉ bao gồm chữ viết và ảnh đơn thuần, các sản phẩm báo chí đa phương tiện là những món ăn tinh thần hấp dẫn đối với độc giả hiện nay.
Tuy không phải tác phẩm báo chí nào cũng có thể áp dụng hình thức đa phương tiện, nhưng rõ ràng các sản phẩm báo chí gồm nhiều yếu tố (văn bản, hình ảnh, video, đồ họa,….) – trong đó hình thức thể hiện bắt mắt, nội dung được đầu tư công phu chính là một điểm nhấn ấn tượng của báo chí hiện đại.
Nguồn nhân lực báo chí trong thời đại số hiện nay đòi hỏi đội ngũ các nhà báo phải có phương pháp, kỹ năng, tác phong làm báo phù hợp. Cách làm báo trong “văn phòng”, ngồi cắt dán hoặc đăng nguyên bài từ các trang báo “mẹ” đang dần được thay thế bằng các hoạt động “săn tin” của đội ngũ phóng viên. Thực tế cho thấy, chỉ có những trang báo điện tử nào luôn cập nhật được những thông tin nóng hổi, có cách viết hiện đại, sáng tạo, hấp dẫn mới thu hút được sự quan tâm của người đọc. Vì thế, việc lấy tin trực tiếp, chụp ảnh, ghi âm hoặc quay phim nhằm xác minh sự thật của nguồn tin và được bình luận một cách chuyên nghiệp; tôn trọng các tiêu chuẩn chính xác, nhanh chóng và khách quan,… vẫn luôn là các yêu cầu được đặt lên hàng đầu đối với các nhà báo làm báo điện tử.
Một điều quan trọng nhất với báo chí là tâm thế của người làm nghề báo, là đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo, đây cũng là điểm khác biệt của báo chí với MXH. Vì MXH là nơi có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, nhiều thông tin giả mạo, rất nhiều người đưa thông tin lên MXH thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang. Trong những trường hợp như vậy, báo chí với vai trò định hướng dư luận xã hội phải “lên tiếng” và các nhà báo cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Tính thuyết phục, độ tin cậy là con đường sống còn của báo chí ngày nay và đó là trách nhiệm của nhà báo.
Trong thời đại công nghệ số, báo chí phải dùng công nghệ nhiều hơn và điều nhà báo cần học chính là công nghệ. Công nghệ mới cũng tạo ra những giá trị mới hơn cho báo và cho độc giả. Công nghệ mới để làm việc cũ của mỗi người tốt hơn. Chẳng hạn: công nghệ AI sẽ giúp nhà báo đọc hàng triệu bản tin mỗi ngày và tổng hợp theo chủ đề, giúp nhà báo viết các tin chuẩn mực theo đơn đặt hàng; công nghệ Big Data giúp nhà báo phân tích hàng triệu trang tin trong quá khứ, tìm ra xu thế của hàng chục năm qua, để dự đoán tương lai…
Công nghệ giúp nhà báo sửa ngữ pháp, chính tả để không gặp những lỗi thông thường. Công nghệ giúp Tổng Biên tập duyệt hàng trăm bài mỗi ngày, tránh được những “tai nạn nghề nghiệp” không đáng có. Tóm lại, công nghệ sẽ giải phóng nhà báo khỏi những việc lặp lại, cho họ nhiều thời gian hơn để sáng tạo. Nhưng công nghệ cũng sẽ lấy mất công việc của những người trung bình, bắt buộc mỗi cá nhân phải đào tạo lại để thích ứng.
Chuyển đổi số trong cơ quan báo chí là con đường phải đi, tuy nhiên không có công thức chung cho tất cả các cơ quan báo chí. Đây cũng không phải một cuộc cách mạng quá lớn về công nghệ và thiết bị, mà trước tiên phải là sự thay đổi trong suy nghĩ và cách làm của người làm báo.
Việc chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho người làm báo nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Người làm báo cần thích ứng với tốc độ nhanh chóng của tin tức trực tuyến; phải làm việc trong môi trường số hóa phức tạp, nắm vững công nghệ và các công cụ truyền thông kỹ thuật số; thích nghi với áp lực cập nhật thông tin liên tục; phải có khả năng đánh giá thông tin, xác minh và đưa ra những bài viết chất lượng, chính xác, có giá trị cho độc giả. Hơn nữa, người làm báo cần giữ vững nguyên tắc chuyên nghiệp và đạo đức trong việc sử dụng công nghệ và truyền thông trực tuyến.
Xác định chuyển đổi số là chương trình trọng tâm, mang tính chiến lược, dài hơi, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung, tác nghiệp của phóng viên nói riêng, Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, người làm báo cần luôn sẵn sàng để học hỏi, thích ứng và khám phá các cơ hội mới mà chuyển đổi số mang lại. Sự sáng tạo và linh hoạt trong việc sử dụng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng của ngành Báo chí trong thời đại kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và đòi hỏi cao của độc giả.
Hà Trần