Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ ra: "Các đối tượng buôn lậu thường tìm địa điểm hẻm hóc, ngõ nhỏ để cất giấu hàng hóa. Nhiều gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn cũng chào bán hàng kém chất lượng, hàng giả mạo".

Song, điều ông Lê cho rằng đáng lo ngại nhất chính là nhận thức của người dân. Bởi, “có khoảng 80% người tiêu dùng biết sản phẩm mình mua là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm như LV, Gucci, Chanel chính hãng có giá hàng chục triệu đồng, nhưng khi đặt mua trên mạng chỉ vài trăm nghìn đồng. Nhưng vì nhu cầu làm đẹp, giá rẻ... người tiêu dùng vẫn chấp nhận", Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Là đối tượng chịu thiệt hại chính, nhưng nhiều người tiêu dùng lại không ý thức rằng mình đang gián tiếp tiếp tay cho sự tồn tại của hàng giả, hàng nhái trên mạng Internet. Theo các chuyên gia, hành vi này đang gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường thương mại điện tử nước ta.

 

Thói quen tiêu dùng “tiếp tay” cho hàng giả trên Internet
Thói quen tiêu dùng “tiếp tay” cho hàng giả trên Internet

"Trước hết đây là hành vi xâm phạm trí tuệ nghiêm trọng, làm cho doanh nghiệp bị mất uy tín, mất doanh thu, ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng, thị trường, khách hàng. Xa hơn nữa, những hành vi này có dấu hiệu lừa đảo, gian dối", Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật An Vy, nhận định.

Không chỉ bán các sản phẩm giả, các đối tượng còn sẵn sàng tạo các website giả để tiêu thụ hàng, vi phạm pháp luật và qua mặt các cơ quan chức năng.

"Đây là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp cần tiếp tục tuyên truyền, giác ngộ cho người tiêu dùng để họ phân biệt được các trang website thật và các trang giả. Khi phát hiện sai phạm, họ cần thông tin đến các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời", ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, nhấn mạnh.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, nếu tình trạng hàng giả còn lộng hành và không xử lý triệt để thì sẽ khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính không khỏi lo lắng. Bởi, thiệt hại đem đến cho doanh nghiệp rất lớn vì không những không bán được hàng mà còn bị loại khỏi thị trường. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho doanh nghiệp so với mất doanh số, đó chính là mất uy tín, mất thương hiệu.

Theo dõi một số vụ làm giả hàng gần đây, bà Hạnh chỉ ra có đơn vị làm giả một thương hiệu rất nổi tiếng và định hình rõ nét trên thị trường - những hộp hàng sấy của Công ty Vinamit.

"Các đơn vị này rất liều lĩnh, dối trá người tiêu dùng một cách thản nhiên. Tôi thấy điều khó của doanh nghiệp bây giờ là không phát hiện cũng không làm sao ngăn chặn tình trạng trên. Bên cạnh đó, túi tiền của người tiêu dùng đang giảm sút nên họ sẵn sàng chấp nhận những mặt hàng giả này vì giá thấp hơn, bề ngoài rất giống hàng thật", bà Hạnh nêu.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng, các cơ quan chức năng phải thường xuyên giám sát, vừa xử phạt nhưng vừa truyền thông chính thức, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái tái diễn. Ngoài ra, cần tiến hành liên tiếp những chiến dịch để bảo vệ người sản xuất can đảm, để đứng ra bảo vệ sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, sau đó là bảo vệ cho người tiêu dùng.

Được biết, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa ban hành Kế hoạch Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nhằm ứng phó với tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp trở lại trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Hải Lâm