Mới đây nhất, ngày 6/7, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) phối hợp với Chi Cục QLTT Hà Nội kiểm tra 10 địa điểm bán mỹ phẩm trên địa bàn thành phố. Kết quả, 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại bị tạm giữ đều do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 149 triệu đồng.
Trước đó, ngày 22/6, lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú (tên thường gọi Ngọc Tú Nature Beauty), địa chỉ tại thị trấn Cầu Bươu, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm Đông y như bộ trị mụn Đông y, gel điều trị mụn, gel trị thâm, serum tái tạo và phục hồi da, kem dưỡng da chống nắng ban ngày, Kem dưỡng da ban đêm (kem ngựa), sữa rửa mặt, ngũ cốc, cao hà thủ ô... Đại diện cơ sở chưa xuất trình đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của sản phẩm, cũng như giấy phép cơ sở đủ điều kiện sản xuất hàng hóa.
Nhiều sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú chua được cấp phép
Qua tìm hiểu, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú tổ chức sản xuất tại huyện Thanh Trì được hơn 1 năm. Sản phẩm sản xuất từ đây được đưa vào các hệ thống cửa hàng spa tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố; đồng thời được chủ cơ sở mở 246 đại lý bán hàng online trên mạng mà lượng khách hàng theo quảng cáo lên tới hơn 5.500 người.
Nhiều cơ sở kinh doanh, chọn bán hàng “online” qua mạng Internet, đặc biệt qua Facebook. Việc này khiến cho lực lượng QLTT gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, xử lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 6, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Vấn đề phối hợp xử lý kinh doanh qua mạng internet, đặc biệt là facebook hiện nay còn chưa có sự phối hợp hiệu quả của nhiều cơ quan chức năng. Lực lượng QLTT đang “đơn thương, độc mã” trong cuộc chiến khốc liệt chống lại hàng kém chất lượng đặc biệt là mỹ phẩm bán qua mạng”.
Về quản lý Nhà nước đối với thực phẩm chức năng, dược phẩm, thuốc không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, ông Trần Hùng, Cục phó Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng Bộ Y tế phải có trách nhiệm. Cụ thể, với thực phẩm chức năng, cơ quan phụ trách là Cục An toàn thực phẩm. Thuốc, mỹ phẩm do Cục Quản lý Dược Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Còn với đông, nam dược các loại do Cục Y dược cổ truyền dân tộc quản lý. Hiện nay sự phối kết hợp xử lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc Bộ Y tế và Quản lý thị trường chưa thực sự hiệu quả.
Hằng Vương T/h