Thời gian quan lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, thu giữ hàng nghìn sản phẩm là mỹ phẩm, TPCN, thuốc đông y không rõ nguồn gốc xuất xứ
Liên tiếp phát hiện sai phạm
Thực tế, buôn bán TPCN, mỹ phẩm, sản phẩm đông y được rao bán công khai trên Internet phát triển rầm rộ. NTD chỉ cần tìm kiếm một vòng trên các mạng xã hội facebook, zalo hay các trang website điện tử, đều có thể dễ dàng có thể đặt mua đủ TPCN, mỹ phẩm đủ các loại, thậm chí chỉ cần cho địa chỉ, các “thượng đế” sẽ được giao hàng tới tận nhà.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng các sản phẩm được giới thiệu với những lời quảng cáo “có cánh” này, thực chất rất nhiều sản phẩm chưa hề được cơ quan chức năng cấp xác nhận công bố đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường.
Trước thực trạng này, ngày 19/6/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg về chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Và chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu, có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa.
Điển hình, chiều 22/6, Tổ công tác 334 (Bộ Công thương) phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội, tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH TM&DV Ngọc Tú (Ngọc Tú Nature Beauty, địa chỉ Khu Dệt 19/5, thị trấn Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội), đã phát hiện 3.047 sản phẩm có nguồn gốc đông y chưa được cơ quan y tế cấp phép lưu hành, 350 gói sản phẩm không dán nhãn, 120 lọ sản phẩm không dán nhãn...
Điều đáng nói, Ngọc Tú Nature Beauty đã tổ chức sản xuất quy mô lớn tại Thanh Trì, được hơn 1 năm nay và đưa sản phẩm vào các hệ thống cơ sở spa, thẩm mỹ viện tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố. DN này cũng có 246 đại lý bán hàng online trên mạng với lượng khách hàng được quảng cáo lên tới hơn 5.500 người.
Ngày 6/7/2018, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 10 vụ, tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 149 triệu đồng.
Tại TP. HCM, tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty CP Facenco (tòa nhà HD Bank, P26, Bình Thạnh) lực lượng chức năng đã phát hiện 3 sản phẩm gồm TPCN Btanol 500 (điều trị suy thận), TPCN Gotarin (trị bệnh Gout), TPCN Motafin (điều trị mỡ máu) đều chưa được cơ quan y tế cấp phép, nhưng vẫn bán ra thị trường.
Gần đây nhất (ngày 7/7), cơ quan chức năng đã kiểm tra 58 vụ, phát hiện và thu giữ 128.647 đơn vị sản phẩm: Mỹ phẩm 27.050 đơn vị sản phẩm; dược phẩm 76.849 đơn vị sản phẩm; đông dược 4.524 đơn vị sản phẩm; TPCN là 11.512 đơn vị sản phẩm; dụng cụ y tế, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng các loại 9.072 đơn vị sản phẩm. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 507.500.000 đồng…
Các vụ việc nêu trên, được phát hiện chỉ trong thời gian ngắn. Điều này chứng tỏ, bên cạnh sự thiếu ý thức, coi thường tính mạng con người của một số đối tượng kinh doanh, thì đó còn là việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm từ phía các cơ quan chuyên môn.
Còn lỏng lẻo trong phối hợp
Về quản lý nhà nước đối với thuốc, TPCN, hiện do các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế chịu trách nhiệm: Với TPCN, cơ quan phụ trách là Cục ATTP; thuốc, mỹ phẩm, do Cục Quản lý dược; đông, nam dược các loại, do Cục Y dược cổ truyền dân tộc.
Riêng với mặt hàng mỹ phẩm, nếu chiếu theo Thông tư số 06/2011/TTBYT ngày 25/1/2011 của Bộ Y tế thì, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh; phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn về nhân sự, chuyên môn và điều kiện sản xuất. Đặc biệt, trước khi đưa bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào ra thị trường, thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số xác nhận công bố đủ điều kiện lưu thông. Khi đó, có thể hiểu rằng, các cơ quan quản lý chỉ quản lý được các loại mỹ phẩm đã được công bố.
Câu hỏi đặt ra: Các sản phẩm chưa được công bố sẽ quản lý ra sao; cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm?
Theo Cục QLTT (Bộ Công thương), việc buôn bán các loại thuốc, TPCN, đông dược giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được cơ quan chức năng cấp phép, phải được coi là một loại tội ác trong thời bình. Bởi các loại sản phẩm này, khi được bán ra trên thị trường đều có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe NTD.
Hiện nay, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng đang là trở ngại trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. “Từ vụ Vinaca, cho thấy sự phối kết hợp xử lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Y tế và lực lượng QLTT hiện rất yếu kém”, đại diện Cục QLTT nói.
Thực tế, có sự buông lỏng, thiếu kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT các địa phương. Ở đây, có một phần từ việc không dám chịu trách nhiệm, không vào cuộc quyết liệt của phía lực lượng QLTT.
Theo Cục QLTT: “Lực lượng QLTT thời gian tới cần phải chủ công, tổng kiểm tra trên toàn quốc với các loại dược phẩm, TPCN không rõ nguồn gốc đang hoành hành trên thị trường, trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, rất cần người dân tham gia tố giác đối với các cơ sở, đơn vị bán hàng mỹ phẩm, dược phẩm, TPCN giả, kém chất lượng. Đồng thời, cần sự vào cuộc rốt ráo hơn của Bộ Y tế”.
Liên quan tới vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng chưa nhận thức sâu sắc và đề cao trách nhiệm, quyết liệt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. NTD còn chủ quan, chưa ý thức được tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng đối với sức khỏe.
Thời gian tới, Cục ATTP sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết kiểm tra và xử lý đến cùng những hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm sản phẩm bao gồm thuốc, mỹ phẩm và TPCN.
Thu Trang