Bài 7: Kon Tum đẩy mạnh công tác thoát nghèo

Năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, nỗ lực vượt khó - triển khai thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, vùng nghèo…

Thành phố Kon Tum hôm nay

Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 654/QĐ-UBND phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn năm 2023. Theo đó, tỉnh có 6.258 hộ thoát nghèo (tương ứng với 4,19%).

Việc có số hộ thoát nghèo cao trong năm 2023 - đánh dấu nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Là tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất khu vực Tây Nguyên, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, đời sống còn gặp nhiều khó khăn; song, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong 2 năm (2022, 2023), tỉnh liên tiếp có số lượng hộ thoát nghèo trên 6.000 hộ.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 10.220 hộ nghèo, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là cơ sở để Kon Tum thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kinh tế - xã hội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Thị Mân cho biết:

“Để có được các kết quả giảm nghèo cao, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế. Tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất đó là ý thức vươn lên của người dân - đã cải thiện rõ rệt. Người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã biết phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản phối hợp với các ngành, đơn vị chủ quản - tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, hỗ trợ các hộ dân mới thoát nghèo từ nguồn vốn của các chương trình như Dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, hay như Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025”.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ các hộ dân mới thoát nghèo bằng cây, con giống để tạo sinh kế, phát triển kinh tế gia đình, giúp các hộ dân này thoát nghèo bền vững, không để xảy ra tình trạng tái nghèo.

Tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, có tiềm năng phát triển du lịch

Trong quá trình hỗ trợ người dân từ các nguồn vốn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai các mô hình sinh kế đúng với mục tiêu của các chương trình; xử lý, kiểm điểm nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức cố ý làm trái quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm, phối hợp với các địa phương, hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho người lao động thuộc các hộ dân mới thoát nghèo.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kon Tum, Nguyễn Thị Nga cho biết, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, đơn vị đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh, tổ chức 39 phiên giao dịch việc làm với gần 2.000 người tham gia; trong đó, có nhiều người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Theo bà Nguyễn Thị Nga:

“Khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm đã đề nghị các địa phương ưu tiên các trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu việc làm được tham gia. Trong năm 2023, đơn vị đã hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu cho hơn 750 người đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước; trong đó có nhiều người thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững”.

Công tác giảm nghèo ở Kon Tum, luôn được các cấp, ngành đặc biệt chú trọng. Giai đoạn 2012 - 2015, tỉnh có 28.563 hộ thoát nghèo, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,62%/năm. Giai đoạn 2016 - 2021, bình quân tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh giảm 3,88%/năm. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh chỉ còn 6,84% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Hội Nông dân – “bà đỡ” liền tay

Trong những năm qua, hội nông dân các cấp tỉnh Kon Tum tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ tầm quan trọng của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Xuất phát từ đó, Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân lồng ghép phong trào vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; vận động hội viên, nông dân thi đua lao động sản xuất, đoàn kết giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững. Nhiều nông dân không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn thực hiện tốt việc giúp đỡ các hộ nghèo cây giống, mô hình chăn nuôi nhằm giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Kon Tum - thành phố lưng chừng đồi nằm bên canh dòng Đăk Bla hùng vĩ (Ảnh: HTL)

Rời quê hương Thanh Hóa vào huyện Đăk Hà lập nghiệp, anh Lương Văn Thủy xây dựng mô hình kinh tế đa canh với cây cà phê, hồ tiêu, kết hợp trồng xen cây ăn trái và rau màu, cây dược liệu với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”... Từ mô hình này, anh Thủy thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí, giúp gia đình thoát cảnh nghèo đói, trở nên có “của ăn của để”.

Ngoài ra, anh còn là người gương mẫu - đi đầu trong phong trào nông dân, chủ động tiếp cận các chủ trương của tỉnh, huyện, gắn với thế mạnh của địa phương để cải tạo vườn tạp, xen canh và phát triển các loại cây dược liệu.

Hiện nay, anh đã giúp bà con thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk (huyện Đăk Hà) phát triển hàng chục ha dược liệu tại địa bàn; đồng thời thuê lại đất dôi dư của các địa phương khác, đưa cây gừng vào trồng xen.

Từ cách làm trên, anh Thủy đã góp phần giúp đời sống của Nhân dân địa phương từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng nhiều.

Gia đình chị Y HLạng, thuộc Chi hội Nông dân thôn Pu Tá, xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) có 3 nhân khẩu, canh tác 0,6 ha cà phê, 1 ha sâm dây, 1.000 gốc sâm Ngọc Linh và kinh doanh sâm dây, lá sâm Ngọc Linh, cho thu nhập hằng năm hơn 600 triệu đồng.

Thời gian qua, gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho môt số lao động tại địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Với tinh thần tương thân tương ái, 2 năm qua, gia đình chị Y HLạng đã giúp đỡ một số hộ nghèo tại thôn Pu Tá, mua giống sâm dây trị giá 10 triệu đồng/năm/hộ dân để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Từ kết quả đạt được của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục triển khai:

Tích cực phát triển rộng khắp phong trào trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở cho việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp;

Kêu gọi đầu tư, chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại; góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu;

Phấn đấu hằng năm, số hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng từ 10-15%; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 3 - 4%/năm.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông (Ảnh: Đ.T)

Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh) Lê Văn Thanh cho biết:

“Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, đơn vị tiếp tục vận động nông dân phát huy nội lực trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư; tận dụng thế mạnh của từng địa phương, đơn vị cơ sở, từng hộ gia đình để thúc đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Chúng tôi chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao; vận động cán bộ, hội viên nông dân đoàn kết giúp đỡ nhau trên tinh thần tương thân, tương ái, hộ giàu giúp đỡ hộ nghèo”.

Hằng năm, mỗi hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ ít nhất 2 - 3 hộ nghèo, mỗi chi hội giúp đỡ ít nhất từ 3 - 4 hộ nghèo về giống, vật tư, kinh nghiệm sản xuất, để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững…

Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực

Năm 2023, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ngân sách trung ương phân bổ 283.570 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 141.429 triệu đồng, vốn sự nghiệp 142.141 triệu đồng); ngân sách đối ứng của địa phương 30.761 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 14.143 triệu đồng, vốn sự nghiệp 16.618 triệu đồng).

Năm 2023, UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các huyện nghèo Kon Plông, Ia H’Drai, Tu Mơ Rông (72 công trình) nhằm phục vụ trực tiếp sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân hưởng lợi. Trong đó, huyện Tu Mơ Rông có 29 công trình, huyện Ia H’Drai 11 công trình, huyện Kon Plông 32 công trình.

Các địa phương đang triển khai thực hiện. Trong đó: Huyện Tu Mơ Rông giải ngân được 9.041/42.218 triệu đồng, đạt 21,4%; huyện Ia H’Drai giải ngân 12.743/40.321 triệu đồng, đạt 31,6% kế hoạch; huyện Kon Plông giải ngân 26.734/38.897 triệu đồng, đạt 68% kế hoạch.

Đối với Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện Ia H’Drai phê duyệt 7 dự án nuôi bò sinh sản, chăn nuôi hươu lấy nhung, nuôi heo thịt; huyện Đăk Glei đang thực hiện thẩm định hồ sơ đối với 13 mô hình của các xã, thị trấn đề xuất; huyện Ngọc Hồi triển khai thực hiện 8 dự án về hỗ trợ bò cái sinh sản, trồng sả Java.

Phát triển cà phê bền vững

Dự án Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, thực hiện đảm bảo. Theo đó, tỷ lệ trẻ em dưới 2 tuổi được cân, đo ít nhất 3 tháng/lần/năm, đạt 95,8%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi được theo dõi tình trạng dinh dưỡng hàng tháng đạt 99,7%; cấp phát đa vi chất cho phụ nữ mang thai trên địa bàn 3 huyện nghèo Tu Mơ Rông, Kon Plông, Ia H’Drai, tỷ lệ bao phủ đạt trên 95%.  

Ngoài ra, tổ chức truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho 248 bà mẹ, tại 4 xã thuộc 2 huyện Đăk Glei và Ngọc Hồi; truyền thông, tư vấn về dinh dưỡng cho 2.757 bà mẹ về nuôi con bằng sữa mẹ; tổ chức 180 buổi thực hành dinh dưỡng, hướng dẫn trình diễn thức ăn cho 3.348 bà mẹ có con dưới 2 tuổi tại các xã khu vực III.

Ngành y tế tỉnh tổ chức Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” cho 1.563 bà mẹ có con dưới 2 tuổi; triển khai hoạt động uống bổ sung vitamin A, kết hợp với tẩy giun và cân/đo cho trẻ dưới 5 tuổi đợt 1/2023 đạt được kết quả tích cực.

Theo đó, tỷ lệ trẻ từ 6 - 11 tháng được uống vitamin A có 5.238/5.342 trẻ, đạt 98,1%; tỷ lệ trẻ từ 12 - 35 tháng được uống vitamin A có 23.094/23.311 trẻ, đạt 99,1%; tỷ lệ trẻ từ 36 - 59 tháng được uống vitamin A 24.624/24.867 trẻ, đạt 99%; tỷ lệ trẻ từ 6 - 59 tháng được uống vitamin A 52.956/53.520 trẻ, đạt 98,9%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo đạt 98,2%; tỷ lệ trẻ 24 -60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun đạt 99%.

Ngoài ra, ngành tổ chức được 9 lớp nâng cao năng lực triển khai nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” cho cán bộ y tế cấp huyện, xã với 224 học viên. 

Các hộ nghèo ở huyện Đăk Glei kỳ vọng vào sinh kế trồng sâm Ngọc Linh và sâm dây để phát triển kinh tế gia đình 

Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 347 hộ dân (xây dựng mới nhà ở 254 hộ dân, sửa chữa nhà ở 93 hộ dân). Trong đó: Huyện Kon Plông thực hiện hỗ trợ 79 hộ dân (nhà xây mới 68 hộ dân, sửa chữa nhà 11 hộ dân); huyện Ia H’Drai thực hiện hỗ trợ 112 hộ dân (nhà xây mới 37 hộ, sửa chữa nhà 75 hộ dân); huyện Tu Mơ Rông thực hiện hỗ trợ 156 hộ dân (nhà xây mới 149 hộ, sửa chữa nhà 7 hộ dân)… 

Các địa phương còn thực hiện cấp 60.321 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 21.988 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (15.943 hộ nghèo, 6.045 hộ chính sách xã hội) với tổng kinh phí 7.256 triệu đồng. Đến cuối năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra, giảm 4,4% so 2022 (trong đó các huyện nghèo Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, bình quân mỗi huyện giảm 10,5%).

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội A Kang cho biết:

“Việc triển khai thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo tại các địa phương, đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, một số dự án đầu tư quan trọng đang triển khai trên địa bàn các huyện nghèo - đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững”…

Dưới đây là danh sách các đơn vị hành chính Việt Nam theo Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đến năm 2022 

(https://thuvienphapluat.vn/):

STT

Tên tỉnh, thành phố

Tổng GRDP
(tỉ VNĐ)

Tổng GRDP
(tỉ USD)

1

Thành phố Hồ Chí Minh

1.479.227

63,65

2

Thủ đô Hà Nội

1.196.004

51,39

3

Bình Dương

459.041

19,28

4

Đồng Nai

434.990

18,35

5

Bà Rịa – Vũng Tàu

390.293

16,79

6

Hải Phòng

365.585

15,97

7

Quảng Ninh

269.244

11,55

8

Thanh Hóa

252.672

10,91

9

Bắc Ninh

243.032

11,11

10

Nghệ An

175.586,80

8,01

11

Hải Dương

169.179

7,36

12

Long An

156.357

6,74

13

Bắc Giang

155.876

6,68

14

Vĩnh Phúc

153.121

6,62

15

Thái Nguyên

142.950

6,43

16

Hưng Yên

131.997

5,72

17

Đà Nẵng

125.219

5,42

18

Quảng Ngãi

121.342,17

5,29

19

Quảng Nam

116.374

5,06

20

Kiên Giang

116.042

5,05

21

Tiền Giang

112.462,20

5,02

22

Thái Bình

110.723

4,8

23

Đắk Lắk

108.178

4,68

24

Cần Thơ

107.695

4,65

25

Gia Lai

107.052

4,54

26

Bình Định

106.349

4,61

27

Lâm Đồng

103.500

4,45

28

An Giang

102.720

4,68

29

Tây Ninh

102.059,70

4,4

30

Đồng Tháp

100.172

4,36

31

Bình Thuận

97.137,90

4,17

32

Khánh Hòa

96.441

4,2

33

Nam Định

91.965,60

4

34

Hà Tĩnh

91.910,65

4,12

35

Phú Thọ

89.398

3,83

36

Bình Phước

86.910

3,76

37

Ninh Bình

81.775

3,52

38

Hà Nam

76.403

3,53

39

Cà Mau

73.529

3,19

40

Trà Vinh

72.441

3,14

41

Vĩnh Long

71.861,80

3,08

42

Lào Cai

67.960

2,96

43

Thừa Thiên Huế

66.348

2,85

44

Sóc Trăng

65.709

2,83

45

Sơn La

64.508

2,78

46

Bến Tre

63.586

2,74

47

Hoà Bình

56.640

2,48

48

Bạc Liêu

55.633

2,39

49

Phú Yên

50.496

2,18

50

Quảng Bình

50.007,10

2,16

51

Hậu Giang

48.062,50

2,07

52

Ninh Thuận

46.491,60

1,98

53

Tuyên Quang

41.712,60

1,79

54

Lạng Sơn

41.487

1,75

55

Quảng Trị

40.823

1,76

56

Yên Bái

40.212

1,73

57

Đắk Nông

39.939

1,72

58

Hà Giang

30.571

1,31

59

Kon Tum

30.413

1,31

60

Điện Biên

25.238

1,09

61

Lai Châu

23.389,15

1,03

62

Cao Bằng

21.635

0,94

63

Bắc Kạn

15.014

0,65

Năm 2023, tỉnh Kon Tum cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 7,32%, đứng thứ 22 cả nước, cao nhất vùng Tây Nguyên. Đây là kết quả rất quan trọng, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là nỗ lực to lớn của từng doanh nghiệp, người dân tỉnh Kon Tum...

H. Thủy(Nguồn: https://nhandan.vn/; https://www.baokontum.com.vn/)