Tham dự hội nghị về phía Việt Nam có ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ NN & PTNT, đại diện các Vụ Cục liên quan của Bộ NN & PTNT, Bộ Tài nguyên Môi trường và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, đại diện 5 tỉnh mục tiêu đã chia sẻ kinh nghiệm và báo cáo về thành quả của dự án.

Hội nghị Tổng kết Dự án Hợp tác kỹ thuật Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên Bền vữngHội nghị Tổng kết Dự án Hợp tác kỹ thuật Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên Bền vững

Dự án đã hỗ trợ thúc đẩy quản lý bền vững rừng - nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, đồng thời đáp ứng các nhu cầu đa dạng và giải quyết vấn đề dưới nhiều cách thức khác nhau thông qua hợp tác với các cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương, người dân địa phương và các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản. Trong hợp tác với chính quyền Trung ương, Dự án đã hỗ trợ rà soát và dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, thúc đẩy Chương trình hành động REDD+ quốc gia và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học. Trong hợp tác với chính quyền địa phương, đặc biệt tại 4 tỉnh ở Tây Bắc (Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu), Dự án đã phát triển và thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh và tại tỉnh Lâm Đồng khu vực Tây Nguyên, Dự án đã hỗ trợ thiết lập và thực hiện kế hoạch quản lý khu dự trữ sinh quyển Liang Biang.

Hội nghị Tổng kết Dự án đã nêu bật những thành tựu đạt được của Dự án, cụ thể là: Quản lý và bảo tồn tài nguyên rừng cùng với sự tham gia của người dân địa phương; Theo dõi diễn biến rừng hiệu quả bằng cách ứng dụng  công nghệ mới nhất; Thực hiện quản lý rừng và cải thiện sinh kế thông qua hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản; Quản lý rừng với vai trò ứng phó với biến đổi khí hậu và tận dụng các nguồn vốn bên ngoài để thực hiện vai trò đó

Các hoạt động của Dự án cũng đã và đang được các tổ chức quốc tế khác đánh giá cao và nhân rộng. Hội thảo cũng mở ra cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến rộng rãi, góp phần thúc đẩy quản lý rừng bền vững - tài sản quý báu của người dân.

Trong vài thập kỷ qua, Ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi tích cực đáng kể. Tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam giảm mạnh xuống còn 27% vào năm 1990 do rừng bị khai thác quá mức để tạo nguồn cung ứng gỗ sau chiến tranh, hoặc bị chuyển đổi thành đất canh tác, đến năm 2019, độ che phủ rừng phục hồi đạt 42%, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng hàng năm, từ 1,6 tỷ đô la Mỹ năm 2005 đã tăng lên khoảng 7 lần vào năm 2019, đạt 11 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ che phủ rừng tăng chủ yếu do rừng trồng, thì rừng tự nhiên với các hệ sinh thái có giá trị bị suy giảm mạnh, và phần lớn nguyên liệu gỗ để sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu mang lại nguồn thu ngoại tệ quan trọng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Rừng Việt Nam là một nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng mang lại lợi ích sinh kế cho người dân, đặc biệt là đối với dân tộc thiểu số miền núi, tuy nhiên trong những năm gần đây nhu cầu của người dân về rừng ngày càng trở nên đa dạng. Rừng giúp giảm thiểu rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy du lịch sinh thái, bảo vệ nguồn tài nguyên nước; trước thực trạng bão, mưa lũ nguy hiểm và kéo dài khiến nhiều người thiệt mạng trong những năm gần đây, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò to lớn của rừng trong phòng chống thiên tai.

Hưng Khánh