Đây là một chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được tổ chức hàng năm do VINASA và CLB VJC phối hợp với Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức tại Hà Nội với chủ đề: “Hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Sự kiện này cũng hướng tới kỷ niêm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tham dự Chương trình có ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Yuichiro Uchida, Bí thư Thứ Nhất, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cùng hơn 350 đại biểu trong nước và quốc tế trong đó tám đoàn đại biểu từ Nhật với hơn đại biểu đến từ Nhật Bản và quốc tế. Các đại biểu tham dự các hoạt động của chương trình trong năm ngày từ 27 đến 31/8 tại Hà Nội và Đà Nẵng. Các doanh nghiệp hai nước đã gặp gỡ, trao đổi, cung cấp thông tin về khả năng, nhu cầu của mỗi bên, cũng như đưa ra những kinh nghiệm để có thể làm việc hiệu quả nhất trong việc hợp tác chung quanh lĩnh vực CNTT cho hai bên. Các khách mời trao đổi thông tin trong ngày CNTT Nhật Bản Trong khuôn khổ chương trình, ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, và tìm kiếm cơ hội hợp tác, còn có hai cuộc tọa đàm với nội dung: Cải thiện chất lượng hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản; và Thực tiễn hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản trong các dự án công nghệ mới. Những diễn giả trao đổi tại tọa đàm là lãnh đạo các công ty có uy tín hàng đầu Việt Nam và Nhật Bản: Luvina, Toshiba, Rikkeisoft, DTS Software Vietnam, Deha, NTT Data, FPT, JTS… Trong bài phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông cho biết: “Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn”. Theo điều tra về xu hướng sử dụng truyền thông 2017 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, việc ứng dụng AI tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như IoT, AI, Robotics, xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh. Về nhân lực CNTT nói chung, Nhật đang thiếu hụt khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư và 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới vào năm 2020. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng nhu cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới. Quan hệ hợp tác chung quanh lĩnh vực thông tin, truyền thông giữa hai bên cũng liên tục được đẩy mạnh. Theo thông tin của Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng, Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam đã cùng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác toàn diện, trong đó có thể kể đến các thỏa thuận hợp tác về quản lý tần số vô tuyến điện, an toàn thông tin, bưu chính và đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT. Đồng thời, hai bên cũng đang đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Năm 2017, nhóm công tác chung về CNTT đã được hai Bộ trưởng thành lập nhằm triển khai các nội dung đã được thống nhất trên tinh thần hợp tác, phát triển, đôi bên cùng có lợi. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay đang có thế mạnh về nguồn nhân lực trong lĩnh vực CNTT. Theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) do OECD nghiên cứu, kết quả học tập của học sinh Việt Nam nằm trong Top 20 và đặc biệt giỏi về toán và khoa học. Đó chính là nền tảng cho giáo dục đại học về công nghệ. Hiện tại có 290 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam cung cấp đào tạo CNTT và có khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hàng năm. Theo đánh giá của HackerRank- Hoa Kỳ, Việt Nam là đất nước có khả năng của các nhà phát triển phần mềm xếp thứ 1 ở Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên toàn Thế giới. Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho biết, hiện nay mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 nghìn sinh viên CNTT ra trường, số lượng tăng và chất lượng cũng đang ngày càng tăng lên. Việc giảng dạy trong các trường hoặc các khoa liên quan đến CNTT – TT cũng thay đổi nhiều, với giáo trình luôn cập nhật, thay đổi, đưa những xu hướng hot nhất của thế giới vào chương trình giảng dạy như IoT, AI, Bigdata, Robotics… Có tiềm năng và cơ hội rộng mở, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, phải nỗ lực vượt bậc để có thể vào được thị trường Nhật Bản. Ông Hoàng Nam Tiến cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đặt yêu cầu ngày càng cao hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đơn thuần là làm gia công cho Nhật Bản nữa, mà đã được yêu cầu làm các hợp đồng trọn gói, hoặc các dịch vụ liên quan đến AI, Big data… Ông Nguyễn Ích Vinh, Phó Chủ tịch CLB Hợp tác CNTT cho biết, kết quả cuộc khảo sát 52 công ty CNTT ở Việt Nam hợp tác với Nhật Bản cho thất: số doanh nghiệp gia công phần mềm hiện nay chiếm từ 78-80% nhưng nhiều công ty dã có xu hướng đầu tư công nghệ để thực hiện các sản phẩm công nghệ cao. Đại diện của Hiệp hội Công nghiệp Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA) Nhật Bản cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải phát huy thế mạnh của mình mới có thể tham gia được thị trường nước ngoài, trong đó có thị trường Nhật Bản. Nói về những thách thức mà ngành CNTT Việt Nam đang gặp phải trong kỷ nguyên Cách mạng số 4.0, ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch VINASA cho rằng, mặc dù có sự tăng trưởng đáng kể so với các năm trước nhưngngành CNTT đang phải đối phố với việc thiếu các lập trình viên có trình độ và am hiểu về 4.0. Ngoài ra, số lượng các lập trình viên biết tiếng Nhật cũng không nhiều và chưa có sự phối hợp đào tạo bài bản từ trong nhà trường. Bên cạnh đó, nguy cơ chảy máu chất xám cũng đe dọa ngành CNTT, khi những kỹ sư giỏi, ưu tú có xu hướng sang Mỹ làm việc. Trước những thách thức này, Việt Nam cũng đang bắt đầu có những chuyển động nhất định. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, mới đây, Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban và nhiều Bộ trưởng các Bộ là Ủy viên Ủy ban quan trọng này. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi số quốc gia, sẽ trình phê duyệt và thực hiện trong thời gian tới để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang tập trung phát triển mạnh mẽ lĩnh vực công nghiệp CNTT, trong đó có cả công nghiệp phần mềm – lĩnh vực Việt Nam có rất nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác, tận dụng được hết trong thời gian qua. |
Bảo Ngọc (t/h)