Yuya Hasegawa, Giám đốc bộ phận phát triển tài nguyên năng lượng Nhật Bản thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) cho biết: "Từ giữa đến cuối những năm 2020, chúng tôi sẽ cố gắng mua ít nhất một chuyến hàng mỗi tháng trong suốt cả năm - có nghĩa là ít nhất 12 chuyến hàng mỗi năm".
Nhật Bản hiện mua trung bình ba chuyến hàng LNG mỗi năm cho nhu cầu khẩn cấp. Trong điều kiện nhu cầu LNG trong nước yếu hơn, Nhật Bản có thể xem xét bán lại một số lô hàng LNG khẩn cấp.
Trong trường hợp kế hoạch tăng cường mua hàng khẩn cấp được thông qua, Nhật Bản - nước nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc - sẽ trở thành khách hàng tích cực hơn trên thị trường LNG.
Khí đốt tự nhiên hiện chiếm khoảng 1/3 tổng công suất phát điện của Nhật Bản.
Tân Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản mới đây cho biết, nước này đặt mục tiêu tiếp tục khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân và tăng cường công suất năng lượng tái tạo, báo hiệu rằng chính phủ mới sẽ không thay đổi đáng kể chính sách năng lượng hiện tại của đất nước.
Bộ trưởng Công nghiệp Yoji Muto, người được tân Thủ tướng Shigeru Ishiba bổ nhiệm, nhấn mạnh: "Chúng tôi có thể sử dụng năng lượng tái tạo ở mức tối đa và chúng tôi sẽ khởi động lại năng lượng hạt nhân một cách an toàn nhất có thể".
Hiện tại, Nhật Bản đang quay lại năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng quan trọng nhằm bảo vệ an ninh năng lượng của mình sau cuộc khủng hoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao.
Quốc gia nghèo tài nguyên cần nhập khẩu khoảng 90% nhu cầu năng lượng này đã thay đổi chính sách năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022, khi hóa đơn nhập khẩu năng lượng tăng vọt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và chi phí nhập khẩu LNG tăng cao kỷ lục.
Được biết, nhiên liệu hóa thạch hiện chiếm khoảng 70% lượng điện của Nhật Bản - điều gây mâu thuẫn với mục tiêu net-zero của nước này.
Theo Reuters